Tại buổi thảo luận của Quốc hội về kết quả kinh tế - xã hội năm 2015 và nhìn lại giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, nhiều đại biểu bảy tỏ lo ngại trước vấn đề cạnh tranh của nền kinh tế.



Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) đánh giá, tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế đạt thấp hơn so với giai đoạn trước, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp.



“Trong khi đó, tiền lương thực tế tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động”, ông Lợi nhấn mạnh, đây là một nghịch lý.



Ông Lợi cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm và chưa bền vững do chủ yếu chúng ta vẫn dựa vào vốn và lao động, chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm chiếm 18,3%, cao hơn các nước trong khu vực.



Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta là rất thấp.



Có nâng cao được khả năng cạnh tranh của nền kinh tế hay không, phụ thuộc rất lớn vào yếu tố nguồn lao đông. Tuy nhiêm, theo ông Lợi nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta dù có tăng nhưng không đáng kể.



“Đến nay số lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp chứng chỉ mới đạt hơn 20%. Trong khi kỹ năng ngoại ngữ lại hạn chế là một trở ngại khi Việt Nam gia nhập cộng đồng các nước ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP”, ông Lợi nêu bất cập.



Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) lại chỉ rõ nguyên nhân làm sức cạnh tranh nền kinh tế còn chậm chạp, đó chính là vấn đề từ các bộ, ban ngành khi thực hiện.



Chính phủ đã rất nhiều nghị quyết, quyết sách, chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Song, theo ông Lộc, “sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp của Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ”.



Để khắc phục tình trạng này, ông Lộc đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới trên cơ sở sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19, cập nhật và xây dựng chương trình hành động tổng thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho cả nhiệm kỳ 5 năm và trình ra Quốc hội.



Trong khi đó, ông Lợi lại kiến nghị: Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện chiến lược phát triển nguồn nhân lực để có giải pháp căn bản nhằm phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó có sự dịch chuyển tự do lao động trong khu vực ASEAN và nhiều khu vực kinh tế khác trên thế giới.



“Chúng ta không thể có một nền kinh tế hiện đại, năng suất lao động cao, khi tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề thấp và ngay cả lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhưng mỗi năm vẫn có trên 200.000 người thất nghiệp và thiếu việc làm”.



Ông Lợi thẳng thắn: Đất nước chúng ta đang kiên định mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta rất đáng suy nghĩ về ý kiến của một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, bản chất của kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản không khác nhau. Vì nó đều là kinh tế thị trường, nó phải là nó, chỉ có điều trình độ phát triển thì chủ nghĩa xã hội phải hơn, nhưng trước khi hơn phải bằng người ta đã.



MẠNH NGUYỄN








Theo stockbiz.vn