Cụm từ “chống đôla hóa” lâu nay vẫn được nhắc đến nhưng chưa khi nào câu chuyện này được thực hiện rốt ráo, quyết liệt như thời gian qua. Chỉ chưa đầy nửa năm, một loạt các quyết định mang tính lịch sử đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đẩy lùi tình trạng đôla hóa nền kinh tế.



Những quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc chống đôla hóa nền kinh tế được điểm lại đó là từ ngày 18/12/2015, mọi khoản tiền gửi bằng USD chỉ được nhận lãi suất 0%. Trước đó vào ngày 25/9/2015, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành trước một bước hạ mức lãi suất về 0% đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).



Giới phân tích nhận định việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất gửi USD còn 0% là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lý găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. Đó cũng là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế.



Không lâu sau đó, nhà điều hành đã thực hiện bước đi tiếp theo khi ngay từ những ngày đầu năm 2016, cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chính sách mới này không chỉ ngăn chặn hoạt động đầu cơ “lướt sóng” mà còn giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đôla hóa” nền kinh tế.



Nếu như theo cơ chế neo tỷ giá giữa VND với USD trước đây, mỗi lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá, ngay lập tức các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD. Với cơ chế tỷ giá trung tâm, diễn biến thị trường hiện nay đã không theo xu hướng “té nước theo mưa.” Thậm chí, giá đôla Mỹ trên thị trường giờ đây thường diễn biến trái chiều với tỷ giá trung tâm.



Đánh giá về thị trường ngoại tệ sau 3 tháng áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới sau một quý đã phát huy tác dụng tích cực. Ngân hàng trung ương đã hoàn toàn chủ động trong điều hành tỷ giá và giữ cho tỷ gía tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt.



Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Tính đến đầu tháng 4, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên (4/1/2016).



Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ so sánh, cùng kỳ năm ngoái, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, "sóng" tỷ giá đã nổi lên theo diễn biến của thế giới, có thời điểm tỷ giá chỉ còn cách trần do Ngân hàng Nhà nước công bố chưa đến 100 đồng.



Người đứng đầu Vụ Chính sách Tiền tệ cũng nhìn nhận thanh khoản của thị trường hiện nay tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá cũng là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống đôla hóa, nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.



"Đây là bước đi tiếp sau các biện pháp đồng bộ đã được thực hiện trong thời gian qua như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ. Hay ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% với cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư, qua đó khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lợi tức cao hơn thay vì đầu cơ tích trữ USD," ông Bùi Quốc Dũng cho hay.



Mới đây, Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 24) có thêm 1 điều khoản có hiệu lực. Kể từ sau ngày 31/3/2016, trong bốn nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ. Đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ. Đây là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.



Dư luận băn khoăn phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ? Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay ngoại tệ thanh toán trong nước trong vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đôla hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.



Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam phân tích Thông tư 24 nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đôla hóa nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước muốn từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.



Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính-Bộ Tài chính) nhận định: “Việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tỷ giá mới có lẽ đang góp phần tích cực cho việc giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế. Tôi hy vọng rằng sau một thời gian nữa thì mức độ đôla hóa trong nền kinh tế sẽ giảm và người dân sẽ nắm giữ VND để gửi vào ngân hàng và đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động, còn thời điểm hiện tại vẫn đang có những căng thẳng nhất định”.



Giới phân tích cũng nhìn nhận với những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt đó, mục tiêu chống đôla hóa nền kinh tế của nhà điều hành sẽ sớm về "đích"./.




ĐỖ HUYỀN

<div>




</div>

Theo stockbiz.vn