Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2015, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 3,7% xuống 2,9% (xấp xỉ 200.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, số nợ xấu được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỉ đồng, tăng so với mức 133.000 tỉ đồng của năm 2014 và lớn hơn số nợ xấu hiện có tại các ngân hàng.



Nợ xấu “xấu” đến mức nào?



Bức tranh nợ xấu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã và đang được “lộ sáng” khi bước vào mùa đại hội cổ đông năm 2016. Theo đó, rất nhiều ngân hàng trong tình trạng dự phòng rủi ro ăn mòn lợi nhuận. Và giờ, nợ xấu đang thực sự trở thành vấn đề ám ảnh hay nói cách khác là đang cản đường phát triển của hệ thống ngân hàng.



Trường hợp điển hình phải kể đến là Eximbank, kết quả kinh doanh của ngân hàng này trong 2 năm gần đây không đạt kế hoạch do tăng trích lập dự phòng (dự phòng rủi ro tăng mạnh từ 84 tỉ đồng cùng kỳ năm trước lên 332 tỉ đồng, nên tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2015 chỉ còn 110 tỉ đồng, giảm 61% so với quý cùng kỳ). Nợ xấu đến cuối 2015 của Eximbank là 1.575 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,86% trên tổng dư nợ.



Nếu như các nhà băng lớn lao đao với nợ xấu thì các các ngân hàng nhỏ cũng đang thực sự chịu một sức ép lớn để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, vẫn có những nhà băng còn cách xa mục tiêu tự xử lý nợ như SeABank mới hoàn thành được 14% chỉ tiêu, Kienlongbank đạt 23% chỉ tiêu...



Mặc dù khối lượng nợ xấu gần 243.000 tỉ đồng VAMC “gom” về từ các ngân hàng, đến nay mới xử lý được hơn một nửa. Tuy nhiên, các nhà băng phải tăng trích dự phòng rủi ro, nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu mới có thể làm sạch nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng.



Rõ ràng, nợ xấu đang giảm, nếu xét về tỉ lệ, nhưng tổng quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank... Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2016, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro.



Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng lên tới hơn 91.000 tỉ đồng. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hơn 200.000 tỉ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.



Kỳ vọng nhiều ở tân thống đốc



Mới đây, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã gửi yêu cầu tới các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Hạn chót để các đơn vị này trình kế hoạch xử lý nợ xấu 2016 lên NHNN là trước ngày 28.4.2016.



Nhằm đảm bảo tỉ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững, dưới 3% tổng dư nợ, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua việc bán cho VAMC. Tăng cường thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.



Tính trong giai đoạn 2013 - 2015, VAMC đã bỏ ra 207.909 tỉ đồng để mua 24.512 khoản nợ của 41 TCTD, tương đương với số tiền 243.335 tỉ đồng. Cũng trong quãng thời gian này, VAMC đã thu hồi nợ được 22.783 tỉ đồng và bán nợ đạt 2.956 tỉ đồng.



Vấn đề nợ xấu thực sự là một trong những thách thức không nhỏ cho các thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề nợ xấu không phải bây giờ mới được đề cập mà trước đó các vị thống đốc tiền nhiệm của ông Hưng đều đã bắt tay vào giải quyết vấn đề này.



Cụ thể, Thông tư 19/2013/TT-NHNN ban hành ngày 9.9.2013, quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - một định chế tài chính ra đời hoàn toàn mới theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ.



Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21.1.2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực Basel II mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.



Trong năm 2014, để đối phó với tình hình nợ xấu gia tăng vào cuối 2013, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18.3.2014, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 20.3.2014 đến hết ngày 1.4.2015 nhưng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần.



Như vậy, bằng các giải pháp được thiết lập mới trên, chỉ từ tháng 10.2013 đến ngày 31.12.2014, NHNN đã dùng VAMC thực hiện mua đến 133.555 tỉ đồng dư nợ gốc với giá mua 108.652 tỉ đồng từ 39 TCTD.



Cũng ngay từ đầu năm 2015, nền kinh tế gặp nhiều thách thức vì vấn đề nợ xấu, NHNN đã tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN vào ngày 27/01/2015 về việc tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD với các chỉ đạo hết sức cụ thể: VAMC phải có kế hoạch mua 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2015; các TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu cần xử lý trong năm 2015 trước ngày 30.6; thực hiện bán nợ cho VAMC phải đạt tối thiểu 75% trong 6 tháng đầu năm; và các TCTD phải tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu.



Cho đến hiện nay, chỉ có một số nhà băng thực sự quyết liệt và giải quyết hiệu quả trong vấn đề này, nhưng không ít nhà băng vẫn còn “chậm chân” khi tuyên chiến với nợ xấu.



Chính vì nợ xấu đang là một “cuộc chiến” đầy cam go nên đã có rất nhiều kỳ vọng đặt lên vai của tân Thống đốc mới Lê Minh Hưng. Hy vọng tân Thống đốc sẽ giải quyết được vấn đề còn nan giải hiện nay, đưa ngành ngân hàng thực sự vững mạnh.



Mai Thoa








Theo stockbiz.vn