Một cuộc họp kín vừa diễn ra ngày 4/5 giữa đại diện các quốc gia thuộc OPEC để bàn về sự cải thiện các yếu tố cơ bản của nguồn cung – cầu dầu mỏ.



Sáu đại biểu của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) cho biết nhiều khả năng cuộc họp vào tháng 6 tới của tổ chức này sẽ không bàn về thỏa thuận đóng băng dầu mỏ mới nhằm thay thế cho thỏa thuận thất bại hồi tháng 4.



Hai đại biểu ủng hộ thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ cho biết thỏa thuận này đã bị bỏ qua bởi những thay đổi tại thị trường hiện nay và tính cấp thiết bị giảm đi.



Thị trường cải thiện



Nhờ việc Mỹ giảm sản lượng sản xuất, giá dầu đã phục hồi trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 hồi đầu năm. Giá của mặt hàng này vẫn tăng ngay của khi Ảrập Xêút bất đồng với Iran, khiến thỏa thuận Doha thất bại vào tháng trước. Mặc dù áp lực trên vai các nhà sản xuất đã vơi bớt nhờ sự phục hồi lần này nhưng vẫn còn đó những dấu hiệu bất đồng giữa các thành viên của OPEC.



Giá dầu thô Brent đã liên tục tăng sau cuộc họp tại Doha và được giao dịch ở mức 48,50 USD/thùng vào tuần trước – mức cao nhất kể từ tháng 11/2015. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng điểm cân bằng giữa cung và cầu nhiều khả năng sẽ đạt được vào nửa cuối năm 2016 bởi giá dầu thấp ảnh hưởng xấu tới các nhà sản xuất ngoài OPEC.



Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm xuống mức 8,83 triệu thùng/ngày vào tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp.



Vẫn còn đó một vài dấu hiệu cho thấy thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ sẽ được lật lại trong cuộc họp bán niên của OPEC vào tháng 6 này. Một trong những nhà sản xuất đầu tiên đề xuất giải pháp đóng băng sản lượng là Venezuela. Quốc gia này đang lên tiếng yêu cầu quan chức lãnh đạo của OPEC mời các quốc gia tham gia cuộc họp vừa qua tại Doha tới dự cuộc họp vào tháng 6. Hiện nay, phía OPEC vẫn chưa phản hồi lại ý kiến của Venezuela.



Thạch Thảo - Theo Bloomberg







Theo stockbiz.vn