Sự xuất hiện của các tổ hợp sản xuất, lắp ráp điện tử của Samsung, LG Electronics, Foxconn hay cả tổ hợp lắp ráp ô tô của tập đoàn trong nước như Trường Hải trong những năm qua đã góp phần thay đổi nền kinh tế của VN. Nhưng với kinh nghiệm của một người đã gắn bó với ngành công nghiệp hỗ trợ hơn 20 năm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Thăng Long Tech, lại không coi đó là một tín hiệu của sự phát triển bền vững.



Ông Tuấn chia sẻ, những nhà máy lắp ráp đó mới chỉ là bề nổi của nền công nghiệp và không tạo ra giá trị gia tăng nhiều. Còn bề chìm, như người ta vẫn thường gọi là công nghiệp hỗ trợ, tức là các nhà máy sản xuất linh phụ kiện hoặc nguyên liệu đầu vào, lại chưa mấy phát triển ở VN.



Chính và phụ



“Có thể nói VN là một trong những nước khỏe nhất thế giới về lắp ráp, nhưng kinh tế lại rất yếu. Vấn đề vì gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ không có. Cái đem lại giàu có cho đất nước nằm ở công nghiệp hỗ trợ chứ không phải mấy cái ông to đùng to đoàng lắp ráp đâu,” ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng các nhà làm chính sách dường như đang hiểu sai về nền công nghiệp này khi cho rằng đây là “phụ” còn lắp ráp hoàn thiện ra sản phẩm cuối cùng mới là “chính”.



Hơn 20 năm gắn bó với việc kinh doanh thương mại và nay là cả sản xuất thiết bị máy móc tự động hóa, ông Tuấn kể rằng cũng có những lúc “hoang mang” vì cảm thấy Nhà nước chả ủng hộ lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện. Đôi lúc ông còn nghĩ “có ít tiền rồi đi làm cái khác thôi, chứ chờ đến lúc có chính sách ủng hộ hỗ trợ thì khó lắm.”



Có lẽ cũng chính vì quan niệm về vai trò công nghiệp hỗ trợ sai mà trong suốt nhiều năm qua, những doanh nhân cảm thấy hoang mang như ông Tuấn khi tiến hành kinh doanh sản xuất các linh phụ kiện công nghiệp không phải là ít. Dù rằng hiện tại chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã được Bộ Công thương ban hành, nhưng đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội mới đây cũng thừa nhận rằng chưa đủ hấp dẫn và sức nặng để giúp các DN phát triển



Có thể nói những yêu cầu thực tế và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện từ chính các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung hay Canon đã cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong suốt những năm qua, việc thiếu các cơ sở sản xuất linh kiện, máy móc cho ngành công nghiệp ô tô đã buộc các tập đoàn ô tô nước ngoài lựa chọn Thái Lan và Indonesia làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á thay vì VN.



Nền tảng của công nghiệp hỗ trợ



Trong một lần trả lời báo chí, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, ông Trần Đình Thiên cũng từng nêu ý kiến rằng nền tảng của sản xuất công nghiệp chính là công nghiệp hỗ trợ. Chuyên gia kinh tế nổi tiếng này cho rằng VN chưa có nền công nghiệp hỗ trợ theo đúng nghĩa như là một hệ thống, và nguyên nhân cũng xuất phát từ quan niệm sai lầm về vai trò của ngành công nghiệp này.



Ông Thiên đưa ra ví dụ đối với Nhật Bản, ngành công ngiệp hỗ trợ chiếm 80% giá trị sản xuất công nghiệp. “Cần có cách hiểu đúng, tư duy đúng về công nghiệp hỗ trợ. Cần hiểu đúng chức năng, đánh giá đúng vị trí của công nghiệp hỗ trợ thì lúc đó chúng ta mới có một chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp,” ông Thiên nói.



Nhưng mặc dù gọi là công nghiệp hỗ trợ, nhưng ông cũng nhấn mạnh cần phải coi đó là lực lượng chủ yếu để tạo ra giá trị công nghiệp. Và trên hết, công nghiệp hỗ trợ không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp, mà trái lại, do là nền tảng của nền công nghiệp hiện đại, nên về cơ bản, đây phải là những ngành hoạt động dựa trên công nghệ và lao động kỹ năng cao.



Ninh Kiều







Theo stockbiz.vn