Nhiều cổ đông NH, nhất là những NH chưa niêm yết, cổ đông tham gia góp vốn từ những ngày đầu thành lập đến nay phải chịu cảnh “chôn” vốn không thoát ra được. Giá cổ phiếu (CP) phần lớn hiện nay chỉ bằng phân nửa mệnh giá trong khi nhiều năm phải “nhịn” cổ tức hoặc chỉ nhận thêm CP. Trong khi đó một diễn biến khác cho thấy vẫn có nhà đầu tư nước ngoài chịu bỏ tiền ra mua với giá cao hơn mệnh giá để sở hữu vốn trong các NH. Phải chăng có nghịch lý ở đây?



Nội muốn bán thấp cũng khó




Một cổ đông của NH An Bình đặt câu hỏi với HĐQT rằng ông muốn chuyển nhượng CP của NH phải làm sao, vì hiện nay việc sang nhượng trên thị trường OTC không thuận lợi. Thật ra các cổ đông của những NH chưa niêm yết thắc mắc về việc muốn sang nhượng cổ phần nắm giữ không phải hiếm. Bởi lẽ giá CP NH không còn “hot” nữa, cộng với việc phải “nhịn” cổ tức nhiều năm liền khiến cho việc đầu tư còn “bèo” hơn so với gửi tiết kiệm. Năm ngoái cũng có vài trường hợp các cổ đông NH chia sẻ tâm trạng muốn thoái cổ phần tại NH chưa niêm yết nhưng không có cách nào. Nguyên nhân do thanh khoản trên thị trường quá kém, không có người mua và đặc biệt là giá CP ở mức quá thấp.



Nhiều khi tôi thấy giá CP của SHB quá hấp dẫn, thấp hơn giá trị doanh nghiệp mà tôi đã “nuốt nước bọt”. Nhưng nếu mua vào phải công bố thông tin, lại dẫn đến bị nói làm giá CP. SHB là 1 trong số ít NH chia cổ tức cao hơn hoặc tương đương tiền gửi tiết kiệm NH. Với thế mạnh tiềm năng trong các năm tới, CP chắc chắn sẽ lên.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB
Đến nay tình hình giá CP của nhiều NH chưa niêm yết cũng không cải thiện. Theo dõi trên sàn giao dịch OTC không có CP NH nào giao dịch bằng mệnh giá mà phần lớn chỉ bằng phân nửa. Cụ thể Maritimebank có mức giá khoảng 2.500-3.000 đồng/CP; LienVietPostbank, OCB, NamAbank, ABBank, PVcombank, SeAbank, Saigonbank khoảng 5.000 đồng/CP; NH có thị giá nhỉnh hơn là VPBank và HDBank cũng khoảng 8.000 đồng/CP; chỉ có trường hợp đặc biệt PGBank vẫn có nhà đầu tư đăng bán với mức giá 11.000 đồng/CP. Kể cả một vài NH đã lên sàn giá CP cũng không khá hơn như NVB (NH Quốc dân) và SHB (Sài Gòn-Hà Nội) cũng chỉ mức giá 5.000-7.000/CP; hay Eximbank, Sacombank cũng chỉ quanh quẩn mức mệnh giá.



Cuối tháng 4-2016, mặc dù MobiFone đưa ra mức giá khởi điểm khá thấp nhưng đơn vị này vẫn chưa thể thoái được hết vốn tại SeAbank và TPbank. Không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá 33,4 triệu cổ phần SeAbank với mức khởi điểm 9.600 đồng/CP. Đồng thời chỉ có 6 nhà đầu tư đăng ký mua 8,7 triệu cổ phần TPbank trong số 14,28 triệu cổ phần mà MobiFone đấu giá với giá khởi điểm 8.900 đồng/CP. Như vậy dưới áp lực phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, CP NH được rao bán với giá thấp vẫn không có người chịu mua. Cho đến nay, vẫn còn nhiều đơn vị bị “kẹt” cổ phần chưa thoái được ở một số NH chưa lên sàn. Cho dù tình hình các NH đã cải thiện hơn kể từ năm 2015, nhưng xem ra việc thoái vốn không phải chuyện dễ dàng trong giai đoạn hiện nay.





Ngoại muốn mua giá cao



Mới đây, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)-thành viên của World Bank - trở thành nhà đầu tư nắm 4,99% vốn của TPbank thông qua mua CP ưu đãi. Giá CP ưu đãi phát hành cho IFC là 13.800 đồng/CP. Như vậy, IFC sẽ bỏ ra 403 tỷ đồng để sở hữu gần 5% vốn của TPbank. Đây có thể được xem là mức giá quá ổn đối với một NH chưa niêm yết. Theo chia sẻ của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPbank, ở thời điểm cuối năm 2011, thị giá của TPbank ở mức 4.000 đồng/CP. Khi được NHNN duyệt phương án tái cơ cấu, giá CP tăng lên 6.000 đồng/CP. Cách đây vài ngày, MobiFone rao bán đấu giá với giá khởi điểm 8.900 đồng/CP. Do đó việc IFC mua xấp xỉ 14.000 đồng/CP đã chứng tỏ tiềm năng của NH dưới con mắt của tổ chức nước ngoài này.



SCB là NH đầu tiên tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất 3 NH. Mặc dù đến nay đã có nhiều kết quả đáng kể trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nhưng giá CP của SCB cũng chỉ ở mức dưới 5.000 đồng/CP. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NH, vừa chia sẻ với cổ đông về việc đã được NHNN đã đồng ý cho SCB tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên 50% vốn điều lệ. Do vậy trong năm 2016, SCB dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 170,5 triệu cổ phần, tương ứng 1.705 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Giá bán được NH ấn định không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP) cho các đối tượng là cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại quỹ đầu tư Macquarie Capital và một số quỹ đầu tư ngoại khác đang nắm giữ 29% cổ phần tại SCB. Nếu như thành công với việc kêu gọi đầu tư trên 50% vốn, SCB sẽ là NH đầu tiên được chấp thuận về mặt chủ trương nâng room ngoại vượt 30%.



Theo ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán, việc các tổ chức nước ngoài bỏ số tiền lớn đầu tư vào các doanh nghiệp hoặc NH cao hơn thị giá cũng là hiện tượng bình thường. Bởi khi họ chấp nhận đầu tư vào NH đó họ đã có sự phân tích kỹ lưỡng, ngoài kỳ vọng trong tương lai họ cũng có được những lợi ích mà những cổ đông nhỏ không có được. Chẳng hạn như họ được tham gia vào HĐQT, điều hành NH. Đơn cử trường hợp cổ đông ngoại Mizuho (Nhật Bản) mua 15% vốn NH Vietcombank năm 2011 với mức giá 34.000 đồng/CP, trong khi tại thời điểm đó thị giá của Vietcombank vào khoảng 27.000 đồng/CP.



Xuân Anh






Theo stockbiz.vn