Big C đòi tăng chiết khấu thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%, nhiều doanh nghiệp thủy sản buộc phải ngưng hợp đồng đưa hàng vào siêu thị này.



Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn cho Ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.



VASEP cho biết một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phản ánh, tháng 3-4/2016, nhiều siêu thị gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, Big C là siêu thị đưa ra mức tăng cao nhất, tăng thêm 4,25%-5,5%, lên mức 17%-25%.



Theo VASEP, điều kiện kinh doanh hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp, việc Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không doanh nghiệp nào đáp ứng được, nếu được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ.



Không chỉ chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm ở mức cao, VASEP cũng cho biết, các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị từ mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, khuyến mãi…



Trước mức chiết khấu cao mà Big C đưa ra, một số doanh nghiệp thuỷ sản đã rút hàng khỏi hệ thống. Big C đã gửi thư mời doanh nghiệp quay lại cung cấp hàng nhưng do chưa thống nhất mức chiết khấu nên các nhà cung cấp đã không nhận lời.



Đại diện một doanh nghiệp thuỷ sản tại TP.HCM cho biết, trong các hệ thống siêu thị ở Việt Nam, Big C đòi chiết khấu cao nhất, các siêu thị trong nước có mức chiết khấu “dễ thở” hơn.



Bình luận về vấn đề này, chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú cho biết, bản thân các doanh nghiệp gửi hàng vào siêu thị cần tiết giảm chi phí, giảm giá thành… Ông cho biết, một số siêu thị nội cũng có mức chiết khấu cao, thậm chí lên đến 20%.



“Cần công bằng, rà soát lại chiết khấu của các siêu thị từ siêu thị ngoại đến siêu thị nội, cắt giảm những chi phí làm khó khăn cho nhà cung ứng”, ông Phú nói.



Thứ hai, ông Phú đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần làm rõ, phải chăng siêu thị ép nhà cung ứng trong khi Luật Cạnh tranh quy định “không được từ chối nhập hàng hoá khi không có lý do chính đáng”.



Thứ ba, ông Phú cho rằng cần lập Hiệp hội doanh nghiệp cung ứng hàng hoá cho siêu thị, đưa ra cách làm việc chuyên nghiệp hơn, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp.



“Rà soát chiết khấu của tất cả các siêu thị từ nội đến ngoại, với Big C đâu là lý do, liệu có lý do Big C mới được chuyển nhượng cho doanh nghiệp Thái hay không?”, ông Thái đặt nghi vấn tuy nhiên, để làm rõ việc có hay không Big C “đuổi khéo” doanh nghiệp nội, ông Phú cho rằng cần có sự điều tra chi tiết hơn.



Ngày 29/4 vừa qua, Central Group (Thái Lan) chính thức phát đi thông cáo cho biết, đã nhận chuyển nhượng chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ tay Casino (Pháp) với giá hơn 1 tỷ USD. Ngoài Central Group còn Tập đoàn Nguyễn Kim, doanh nghiệp mà trước đó, hồi tháng 1/2015, Power Buy, đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group đã mua 49% cổ phần.



Trước đó, thời điểm siêu thị Metro Cash & Carry được chuyển nhượng từ tay Đức sang BJC (công ty con của Tập đoàn TCC Holding – Thái Lan), đại diện một số doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm tươi sống cũng cho biết, đã có sự chuyển biến lớn trong hoạt động marketing như ưu tiên doanh nghiệp Thái.



Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM, kể từ khi siêu thị Metro Cash & Carry bán cho nhà đầu tư Thái Lan, mọi hoạt động liên quan đến điều chỉnh giá cả, hàng hoá đều diễn ra khá chậm chạp, gây khó cho doanh nghiệp.



Theo lời kể của vị này, doanh nghiệp phải mất 6 tháng kể từ khi thông báo mới được phép rút hàng khỏi kệ, chưa kể giá cả biến động lên xuống, muốn điều chỉnh gần như không thực hiện được.



NGUYỄN THẢO






Theo stockbiz.vn