Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) vừa có văn bản gửi Bộ Tài Chính đề xuất được tự tính giá bán xăng dầu.



Dù đang được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đang gặp khó về tiêu thụ trước việc các mức thuế giảm mạnh do Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do nên phải dỡ bỏ các hàng rào về thuế quan.



Đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, trong khi Dung Quất vẫn áp 20%. Do đó, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Mễ, Petimex… đã ồ ạt nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc. Trong đó, Petrolimex mua tới 20.000-30.000 tấn xăng từ Hàn Quốc.



Trên thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã giảm tiêu thụ xăng dầu của Dung Quất. Cụ thể, Petrolimex năm 2015 nhập khẩu tới 90% dầu từ ASEAN, riêng tháng 12/2015 nhập hoàn toàn từ ASEAN. Saigon Petro nhập khoảng 62%; PVOil nhập 70-80%; Mipeco nhập 83% từ ASEAN…



BSR cho biết, để cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu, Dung Quất buộc phải hạ giá bán tương ứng với mức thuế nhập khẩu chênh lệch nên sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh năm nay. Theo tính toán của BSR thì doanh thu xăng dầu sẽ giảm từ 7 đến 10%.



Việc áp thuế nhập khẩu tính giá bán lẻ theo hướng bình quân gia quyền mới đây cũng tạo ra chênh lệch lớn giữa Dung Quất với xăng dầu nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ từ ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc.


Mặt hàng


Cụ thể, khi mua hàng của Dung Quất, các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải đóng thuế nhập khẩu là 18,08% với mặt hàng xăng, cao hơn 10% so với các nước có ký kết FTA. Hơn nữa, thuế nhập khẩu với xăng của Dung Quất đang cao hơn 1,92% so với thuế tính giá bán lẻ. Tương tự, các mặt hàng dầu chênh lệch giữa thuế đầu vào và đầu ra của Dung Quất là 6,4%.



"Hàng xăng dầu của Dung Quất vừa chịu chênh lệch thuế nhập khẩu kép so với nhập khẩu của khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, vừa bị áp thuế cao hơn so với thuế bình quân để tính giá cơ sở", văn bản nêu.



Tại thị trường nội địa, để khách hàng không chịu thiệt, BSR phải giảm giá bán ít nhất bằng mức chênh lệch thuế nhập khẩu trong giá bán và thuế nhập khẩu tính giá cơ sở là 1,92% với xăng, tương đương 1 USD một thùng, hay dầu diesel là 2,92 USD tương đương 6,4%.



Khẳng định các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không còn mặn mà tiêu thụ sản phẩm cho Dung Quất mà đi nhập khẩu để được hưởng thuế thấp hơn, nên BSR đang xây dựng một cơ chế tài chính mới gửi các cấp.



Trong thời gian đợi phê duyệt, BSR đề nghị Bộ Tài chính cho Dung Quất được quyền tính toán và quyết định giá bán, trong đó có tự tính thuế nhập khẩu ở mức hợp lý, không cần Nhà nước hỗ trợ thuế 3-7%, bù lại Nhà nước cũng không được thu tiền điều tiết với xăng dầu Dung Quất.



Trước đó trong một báo cáo gửi lên Chính phủ giữa năm 2015, PetroVietnam đã tiết lộ mức lỗ "khủng" của nhà máy này từ khi đi vào vận hành. Năm 2010, công ty lỗ gần 3.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ.



Năm 2012, năm 2013 lần lượt lỗ trên 6.400 và 6.000 tỷ đồng. Năm 2014, BSR lỗ 7.136 tỷ đồng. Lũy kế từ khi đi vào vận hành thương mại, đơn vị này lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD).



Tuy nhiên, khoản ưu đãi giữ lại thuế nhập khẩu đã giúp gánh bớt lỗ cho Dung Quất, khi đơn vị này chỉ còn lỗ 1.300-3.000 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012, trước khi hạch toán lãi gần 3.000 tỷ vào năm 2013 nhờ được giữ lại tới 8.856 tỷ đồng.



Bạch Dương






Theo stockbiz.vn