Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng tài sản của toàn hệ thống hồi phục tăng nhẹ và đến cuối tháng 2.2016 đạt 7,37 triệu tỷ đồng. Khi áp lực tái cơ cấu còn đè nặng, các ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu, giữ lại lợi nhuận để dồn sức tăng vốn.



Trong khi tổng tài sản của khối ngân hàng quốc doanh sụt giảm thì tổng tài sản của khối ngân hàng TMCP lại có xu hướng nhích lên. “Sức khoẻ” của hệ thống cũng được phản ánh khá rõ nét qua những số liệu về tổng tài sản, vốn tự có, các chỉ số về tín dụng, an toàn vốn…



Tài sản “hao hụt” 4.295 tỷ đồng



NHNN vừa công bố tình hình tài sản của hệ thống ngân hàng với sự hồi phục nhẹ. Tính đến cuối tháng 2/2016, tổng tài sản có toàn hệ thống đã tăng 0,74% so với đầu năm, đạt mức 7,37 triệu tỷ đồng. Trước đó, tổng tài sản hệ thống đến cuối tháng 1 đã bị giảm xuống còn 7,28 triệu tỷ đồng.



Riêng ở khối ngân hàng có vốn nhà nước, tổng tài sản của nhóm 7 ngân hàng đã bị sụt giảm liên tục hai tháng đầu năm. Tháng 2 giảm 0,13% so với tháng 1, xuống còn gần 3,3 triệu tỷ đồng. Nhóm này gồm 4 “ông lớn” ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và ba ngân hàng 0 đồng: GPBank, OceanBank, CBBank.



Theo tính toán, tổng tài sản của khối ngân hàng gốc quốc doanh đã giảm khoảng 4.295 tỷ đồng trong tháng 2/2016, tương đương quy mô của một nhà băng cỡ nhỏ.Trong khi đó, so với tháng 1, tổng tài sản khối ngân hàng TMCP đã có xu hướng tăng lên, đạt 2,95 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 2.



Còn theo tổng hợp của Thời báo Kinh Doanh, trong quý I/2016, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng tổng tài sản đáng kể. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của ngân hàng BIDV cho thấy, tổng tài sản có cuối kỳ đạt 858.962 tỷ đồng, tăng thêm gần 8.293 tỷ đồng (tăng 16,4% so với cuối năm 2015).



Vốn tự có của BIDV tăng mạnh nhất, tới 22,7%, lên 43.763 tỷ đồng tại ngày 31/3/2016. Trong đó, vốn điều lệ vẫn duy trì ở mức 34.271 tỷ đồng kể từ sau khi nhận sáp nhập “thần tốc” ngân hàng MHB hồi cuối năm ngoái.



Còn tổng tài sản của Vietinbank đến hết quý I/2016 đạt mức 791.737 tỷ đồng, tăng tới 12.254 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái. Vốn tự có ở mức 58.017 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015 và duy trì mức vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng.



Được biết, VietinBank đang xúc tiến kế hoạch nhận sáp nhập ngân hàng PGBank, song tiến độ bị chậm lại, dự kiến đến tháng 9/2016 mới hoàn tất. Khi ấy, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên trên 40.000 tỷ đồng, cùng với tổng tài sản, nguồn vốn, mạng lưới đều tăng nhanh chóng.



Ngược lại, trong quý I năm nay, Vietcombank lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tổng tài sản, chỉ đạt 661.079 tỷ đồng, tức giảm tới 11.849 tỷ đồng. Tài sản sụt giảm chủ yếu do các khoản tiền mặt, tiền gửi NHNN, tiền gửi và cho vay các TCTD khác, chứng khoán kinh doanh… đều bị thu hẹp hơn tới vài chục nghìn tỷ đồng. Vốn được dồn sang cho vay khách hàng với khoảng 22.603 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6,1% chỉ trong quý một năm nay.



Áp lực nợ xấu, dự phòng, tăng vốn



Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD đã tăng nhẹ 0,15% so với đầu năm, lên gần 461.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này có đóng góp chủ yếu từ khối các ngân hàng TMCP và quỹ tín dụng nhân dân với mức tăng lần lượt 0,29% và 1,56%.



Vốn tự có toàn ngành cũng tăng 0,73%, lên mức 582.000 tỷ đồng vào cuối tháng 2/2016. Riêng vốn tự có của khối các ngân hàng TMCP lại tiếp tục giảm 0,21%, xuống còn 235.800 tỷ đồng, còn khối ngân hàng gốc quốc doanh có vốn tự có 204.000 tỷ đồng.



Hết tháng 2/2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống giảm xuống mức 30,77%, cụ thể: khối quốc doanh ở mức 34-35,5%, các công ty tài chính/cho thuê tài chính tăng mạnh lên 92,8%.



Các công ty tài chính cũng có tỷ lệ cấp tín dụng “hào phóng” nhất, lên tới 360%, còn các TCTD hợp tác chỉ ở mức dưới 100%, các ngân hàng quốc doanh là 97%, ngân hàng TMCP là 77,37%. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn ngành ở mức 87,71%.



Theo chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng vẫn đang chịu sức ép phải xử lý nợ xấu, trích dự phòng rủi ro, dành lợi nhuận để ưu tiên tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính…



Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được NHNN chỉ đạo quyết liệt, thậm chí yêu cầu cắt giảm cổ tức, không chia cổ tức bằng tiền mặt đối với các ngân hàng chưa xử lý xong nợ xấu, vẫn còn nguy cơ mất an toàn vốn.



Các báo cáo mà nhiều ngân hàng công bố đến thời điểm này cho thấy lợi nhuận đều bị ảnh hưởng do chi phí trích lập dự phòng nợ xấu tăng cao. Đơn cử, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV tăng đột biến trong quý I đầu năm nay lên tới 1.990 tỷ đồng, gấp đôi mức dự phòng của cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng quá cao dẫn tới lợi nhuận trước thuế bị “hao hụt”, chỉ đạt 2.077 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế còn 1.682 tỷ đồng.



Tương tự, Vietcombank phải dành tới 1.300 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 2.293 tỷ đồng. Vietinbank phải trích dự phòng rủi ro 1.441 tỷ đồng, nên lãi trước thuế còn 2.404 tỷ đồng…



Bên cạnh đó, các nhà băng đã phải cắt giảm cổ tức của năm 2014-2015 để có dư địa tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn hoạt động. Việc sáp nhập một số ngân hàng lớn với nhà băng nhỏ, sức khoẻ yếu kém… cũng khiến cho kết quả lợi nhuận bị “bốc hơi” trên sổ sách.










Theo stockbiz.vn