TP - Vấn đề biển Đông và chủ quyền biển đảo một lần nữa vào đề thi môn Địa lý và Lịch sử, theo các giáo viên nhận định, đề thi khá hấp dẫn và đề cập nhiều vấn đề thời sự. Còn các môn Sinh, tiếng Anh, Toán có sự phân loại thí sinh.

Môn Văn: Nhiều thí sinh làm bài tốt
Cô Võ Thị Kiêm Liên (giáo viên môn Địa lý, trường THPT Trần Hữu Trang, TPHCM) cho biết, đề thi môn Địa lý năm nay khá hay và vừa sức đối với thí sinh, việc đạt được điểm cao cũng không khó. Tuy nhiên, nếu thí sinh không ôn luyện kỹ và đọc kỹ đề rất dễ nhầm lẫn. Vấn đề thời sự về chủ quyền biển đảo lại được đề cập cho thấy đây đang là vấn đề nóng. Đề ra phần này cũng một phần để học sinh nâng cao ý thức hơn việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Theo cô Liên, với đề thi này học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được 5 - 6 điểm, còn với học sinh khá và ôn luyện bài kỹ thì có thể đạt được 8 - 9 điểm. “Trong đề thi câu 1 và câu 3 có sự liên hệ với nhau, vì đều liên quan đến vấn đề biển đảo. Thí sinh rất dễ đạt được điểm cao ở hai câu này, vì đây là vấn đề thời sự được báo đài liên tục đưa tin. Hơn nữa, trong lần thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã nhắc đến nên thí sinh cũng đã lường được trước. Tuy nhiên, nếu thí sinh không chú ý sẽ rất dễ bỏ sót vấn đề chủ quyền biển đảo ở câu 3'.
Cô Liên cho biết thêm, các câu hỏi dạng như trong đề thi ra, cô đã cho học sinh ôn luyện nhiều trong chương trình học. Đặc biệt, vấn đề biển đảo đang nóng nên thí sinh cũng tự ý thức và dự đoán được sẽ có trong đề thi nên chủ động chuẩn bị kĩ phần này. Sau khi kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh đã vui mừng thông báo với cô là làm bài khá tốt.
Cũng như môn Địa, cô Chiêu Thị Yến (Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Nguyễn Khuyến) cho rằng, đề thi Sử năm nay hay và có tác động đến cách học và tư duy của thí sinh. Theo cô Yến, cách ra đề năm nay sát với thực tế, đây là cách làm sáng tạo, giúp các em phát triển khả năng tư duy khi làm bài thi. Đồng thời nói lên được cảm nhận của bản thân về đất nước.
Đề thi mang tính chuyên sâu và xâu chuỗi các sự kiện với nhau khá rõ, đây là phần tiến bộ hơn so với kỳ thi trước. Chẳng hạn như câu 4, câu hỏi không chỉ gói gọn trong một bài, một phần mà là một chuỗi sự kiện, tạo cho các em một cách học mới, cách tư duy mới. Với đề thi này, khả năng học sinh khá có thể đạt điểm 7 là không có gì khó khăn.



Toán: Có câu khó hơn đề thi khối A
Với môn Toán, ông Lê Văn Hùng (giáo viên trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM) cho rằng, với đề Toán năm nay ở khối B và D, học sinh dễ lấy được điểm trung bình, khá nhưng cao hơn thì cực kỳ khó, thậm chí có câu còn khó hơn đề thi khối A vừa qua.
Theo ông Hùng, đề Toán ở khối D tương đối khó nhưng khó đều ở các câu, vì thế, tính chất phân loại học sinh giỏi với học sinh khá không nhiều. Trong khi đó, đề Toán ở khối B thì các câu 1- 4 tương đối dễ, các câu 5, 6, 7 thì hơi khó, ở các câu, học sinh trung bình đến khá giỏi là có thể làm được.

Còn môn Sinh, cô Lưu Thị Tú giáo viên Trường THPT Nhân Việt cho rằng, đề thi năm nay dễ hơn so với năm ngoái, phần lý thuyết khá dễ, không đánh đố thí sinh còn phần bài tập cũng đơn giản. Trong đề chỉ có khoảng 5 câu khó chủ yếu tập trung ở phần quy luật di truyền.
Ở môn Tiếng Anh, đa số thí sinh nhận định đề thi khó hơn những năm trước và giáo viên cũng có chung ý kiến như vậy. Thầy Lê Tùng (giáo viên Trường Chu Văn An) nhận định, đề thi khối D khó hơn so với khối A1, các câu hỏi khá dài, thí sinh không cẩn thận rất dễ chọn phải đáp án sai.
Ở phần đọc hiểu, đề chia làm hai loại với một bài ở mức độ khó, thí sinh có học lực khá trở lên mới làm được, hai bài ở mức độ trung bình. “Đề thi khó hơn khối A1 nhưng các câu hỏi không đánh đố và thí sinh trung bình có thể đạt được điểm 5 - 6, khá có thể đạt được 7 điểm”.





















Thẩm mỹ Hàn Quốc









Theo tienphong.vn