TP - Một lần nữa, câu chuyện phân cấp quản lý triệt để, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH lại được xới lên ở một diễn đàn chính thức của ngành GD&ĐT.


Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu sau khi tranh thủ báo cáo thành tích của trường mình không quên đưa ra một số đề xuất mà trong đó quyền tự chủ được xem như một giải pháp cốt lõi nâng tầm hệ thống giáo dục đại học.
Cũng một lần nữa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng bày tỏ mong muốn hướng tới một nền giáo dục đại học tự chủ. Trên thực tế những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm mô hình tự chủ tài chính cho một số cơ sở đào tạo.
Nhưng theo Bộ trưởng, tình trạng của câu chuyện tự chủ này hiện hết sức khó khăn, lúng túng. Nói tóm lại là không làm nổi. Các trường tham gia thí điểm thì bức xúc vì cảm thấy thiệt đơn thiệt kép khiến Bộ GD&ĐT không khỏi hoang mang khi không biết lợi ích của cái tự chủ tài chính này nằm ở đâu!
Tại hội nghị tổng kết sáng qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Đúng là chưa thấy có sự thay đổi căn bản, chưa thấy tác dụng mô hình này. Hiện chúng tôi đang tính toán để thiết kế lại mô hình tự chủ tài chính”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trên con đường hội nhập giáo dục đại học với dòng chảy chung của thế giới, khó khăn về mô hình – rào cản về cơ chế là vấn đề thứ yếu, sự thiếu trưởng thành trong tư duy của những nhà quản lý giáo dục đại học mới là điều chính yếu. Còn nhớ gần đây, trước áp lực của dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT khuyến khích một số cơ sở đào tạo tìm kiếm, đề xuất phương án tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng rốt cục “cả làng cả tổng” vẫn hồ hởi với “ba chung”.
Nhận xét về trạng thái này, GS Ngô Bảo Châu nói: “Nhiều người muốn có một cấp trên chỉ sẵn công việc của mình, nếu có sai sót thì có thể đổ lỗi cho cấp trên. Tôi nghĩ các trường phải xác định vấn đề tuyển sinh là lợi ích của từng trường. Phải thấy sức mạnh của một trường ĐH còn nằm ở chỗ trường được toàn quyền trong việc tuyển chọn sinh viên cho mình”.
Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng lưu ý: “Phân cấp quyền hạn, quyền lực đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Chúng tôi có cảm giác là việc mà liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ chưa cân đối hài hoà với phần quyền hạn, quyền lợi”.
Nhưng công bằng mà nói, sự thiếu trưởng thành ấy không chỉ đơn phương từ phía các cơ sở đào tạo. Dẫu những năm gần đây, cơ chế xin cho đã dần dần được gỡ bỏ, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình với xã hội đã được từng bước tạo lập nhưng vẫn rất thiếu sự tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị các nhà trường.


Báo giấy



Theo tienphong.vn