TPO -Hơn 80 học viên lớp “Nâng cao năng lực cho nhà báo trẻ Việt Nam” được trải nghiệm cảm giác làm báo thực thụ trong những buổi học diễn ra từ 5-11 đến 4-12 tại Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV Hà Nội.


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/Images/b/6ca/b6ca9b68030803d2bc776421ccdfe678.jpg.ashx?w=440&h= 250&crop=auto[/IMG]




Chia sẻ những kinh nghiệm của một phóng viên khi đi phỏng vấn là cách mà nhà báo Ben Bland – phóng viên Thời báo tài chính - mở đầu cho buổi học “Nguồn thông tin và xây dựng quan hệ”. Theo Ben, tố chất quan trọng của một nhà báo là khả năng tiếp cận nguồn tin và xây dựng những mối quan hệ để tạo dựng và tiếp cận nguồn tin.
“Trong ba phút, mỗi bạn đi xung quanh lớp tiếp xúc, trao đổi với ba người khác, thu nhận những thông tin mới về họ bên cạnh những thông tin cá nhân” - đó là bài tập đầu tiên mà người thầy đến từ London (Anh) mang tới cho các học viên Việt Nam ngay sau lời mở đầu của buổi tọa đàm.
Bất ngờ với bài tập “lạ”, học viên thoáng chút ngỡ ngàng. Căn phòng nhỏ như thu hẹp về không gian và thời gian như vô tình trôi nhanh hơn. Đây là cơ hội cho các học viên đến từ các trường Đại học và Học viện hiểu về nhau.
Sau ba phút, cả thầy và học viên trao đổi một cách thoải mái về kết quả thu thập thông tin của các nhà báo tương lai. “Chính cách dẫn dắt vấn đề của thầy ấn tượng, hấp dẫn nên có sức hút đối với tất cả các học viên”, bạn Nguyễn Thị Huyền Trang, khoa Báo chí K55, trường ĐHKHXH&NV, nhận xét.
Một lần nữa, không khí của buổi tọa đàm nóng hơn khi các học viên thực hành bài tập thứ hai mà thầy Ben đưa ra: trong 5 phút, mỗi bạn chọn một gương mặt mà có cảm giác người đó có nhiều điểm tương đồng với mình. Chọn ra 3 điểm giống nhau giữa hai bạn.
Đó là dịp để các học viên tìm hiểu những người bạn cùng lớp. Đã có không ít những bất ngờ đầy thú vị xảy ra. “Mình không ngờ người bạn mà mình vô tình chọn mặt gửi vàng lại có nhiều điểm chung với mình như vậy. Mình có cảm giác như đang “du học” với những buổi thực hành rất hữu ích và thiết thực”, bạn Trần Thủy Tiên, sinh viên năm 3, Khoa Biên tập và Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết.
Trải qua hai bài tập nhỏ, các học viên nhận được bài học về sự tự tin khi là nhà báo, tự tin để tiếp cận nguồn tin, thực hiện phỏng vấn. Và óc nhạy bén, quan sát, phán đoán và nhận định vấn đề nhanh, sắc sảo.
Thầy Ben đã đưa ra một số tố chất quan trọng nhất của một nhà báo giỏi gồm: “Tính tò mò, nhiệt tình, óc nhạy bén, khả năng viết lách, tự tin, mặt dầy”.
Theo thầy Ben: “Nhà báo là người chuyển tải thông tin từ nhóm này đến nhóm khác. Nhà báo phải luôn tôn trọng nguồn thông tin của mình” và “tất cả mọi người đều có thể là một nguồn tin hay”.
Thầy chia sẻ, khi sang Việt Nam làm báo những nguồn tin hay thầy đều tìm thấy ở những người bình thường nhất như bác sửa xe đạp trên đường phố mà không phải những cán bộ cấp cao hay người nổi tiếng.



[IMG]//images.tienphong.vn/uploaded/images/f/24c/f24c85b7af0b3405a527165863cdd7e5.jpg?width=500[/IMG]


Trao đổi trong lớp học.



Từ những chia sẻ của thầy các học viên tiếp tục bước vào bài tập khó hơn: “Tiến hành phỏng vấn trên đường phố”. Trong thời gian 20 phút, mỗi bạn đi ra đường phố thực hiện phỏng vấn hải người về vấn đề có đi xe bus hay không? Và tại sao? Có kèm theo những thông tin cá nhân về họ.
Bất ngờ mà thích thú, hơn 80 học viên nhanh chóng rời lớp học tỏa đi khắp nơi trên đường phố để thực hiện bài phỏng vấn. Không ít những ánh mắt tò mò dõi theo “các phóng viên trẻ” của những người đi đường giữa tiết trời Hà Nội cuối thu.
Trong quá trình phỏng vấn có bạn gặp may mắn nhưng cũng có học viên gặp chuyện dở khóc dở cười. Có bạn hoàn thành bài tập thực hành trước giờ quy định nhưng cũng có người trở về “tay trắng” vì gặp phải trở ngại trong khi “tác nghiệp”.
Dù có hoàn thành xuất sắc cuộc phỏng vấn hay còn dang dở, mỗi học viên của lớp “Nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ Việt Nam” cũng đã được trải nghiệm cảm giác làm một nhà báo, ai cũng rút ra được bài học cho riêng mình.
“Tưởng chỉ là 3 bài tập nhỏ mà không nhỏ bởi chúng đã thắp lên ngọn lửa tình yêu nghề báo trong mỗi học viên. Riêng mình sau buổi tọa đàm này mình sẽ không còn ngần ngại nữa mà dấn thân vào nghề báo ngay thôi”, bạn Vũ Thu Trang, Khoa Quan hệ quốc tế K30, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ.
Lê Thị Kim Nhung

Lớp Thông tin đối ngoại K30, Khoa Quan hệ quốc tế

Học viện Báo chí và Tuyên truyền


Viết



Theo tienphong.vn