TP - Ngoài việc được nhận tiền hỗ trợ, khi thi đại học đối tượng là con nuôi của những người thuộc diện chính sách được cộng hai điểm. Bởi vậy, ở Quảng Nam rộ lên tình trạng nhận con nuôi... ảo để hưởng lợi.


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/Images/a/291/a29124b58e0588d93d805d8aa84a785d.JPG.ashx?w=440&h= 250&crop=auto[/IMG]




Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh ở 10 huyện, thành phố của tỉnh, phát hiện 137 trường hợp cho nhận con nuôi không đúng quy định theo Nghị định 158/2005 của Chính phủ. Trong vòng 6 năm qua, số tiền chi cho những trường hợp này là gần nửa tỷ đồng.





Thủ tục cho nhận con nuôi rất đơn giản, hồ sơ do người nhận con nuôi khai, cán bộ tư pháp xã ký xác nhận, sau đó trình UBND xã ký ra quyết định công nhận. Cuối cùng, Sở LĐTB&XH ra quyết định cấp sổ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo.




Huyện Quế Sơn có số lượng người nhận con nuôi “ảo” nhiều nhất với 85 trường hợp ở 13 xã. Nhà nước phải chi cho các đối tượng này là trên 200 triệu đồng. Tiếp đến là huyện Thăng Bình và Điện Bàn, mỗi huyện 10 trường hợp…
Hồ sơ con nuôi người có công thể hiện chủ yếu là ông bà nội nhận cháu ruột làm con nuôi, hoặc chú, bác, cô, dì, cậu… nhận cháu ruột làm con nuôi. Đơn cử như bà Phan Thị M. (xã Quế Phú) nhận con nuôi là Phan Thị Thanh H. (sinh năm 1994, gọi bà M. là cô ruột); bà Nguyễn Thị N. (xã Quế Cường) nhận cả 2 đứa cháu nội của mình là Nguyễn Phạm Duy T. và Nguyễn Phạm Duy P. làm con nuôi…
Có những gia đình không có người thân trong diện chính sách nên nhận cả người trong tộc làm cha mẹ nuôi đứa trẻ. Như trường hợp em Phạm Thị Hồng V. (sinh năm 2001, ở xã Quế Xuân 2) nhận người bà con trong tộc là ông Phạm Minh H. làm cha nuôi để được hưởng chế độ.
Xã Quế Cường (Quế Sơn) có 18 trường hợp nhận con nuôi, trong đó chỉ có một trường hợp đúng với quy định. Xã đã thu hồi toàn bộ hồ sơ, cắt hết các chế độ chính sách khi có chỉ đạo của tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Trinh, cán bộ tư pháp hộ tịch xã Quế Cường cho rằng: Do nghị định 158/2005 không phân tích rõ lý do mục đích nhận con nuôi, cán bộ tư pháp xã không hiểu, không nắm được quy định. Các trường hợp nhận con nuôi chủ yếu có quan hệ huyết thống, lãnh đạo xã đều biết. Cán bộ xã không lường trước được việc người dân lợi dụng chính sách của nhà nước.
Một cán bộ xã Quế Cường cho biết: Khi ai nhận con nuôi theo Nghị định trên, con nuôi là con của ai, cán bộ đều biết. Người nhận là con nuôi của ai đó và được hưởng lợi về tiền không quan trọng bằng được hưởng quyền lợi về học hành. Ví như thi đại học, thí sinh là con nuôi của những người có công thuộc diện chính sách được cộng 2 điểm, lợi thế rất nhiều so với học sinh bình thường
Trong quá trình học, để miễn giảm các khoản học phí và các chế độ khác, đối tượng con nuôi chỉ cần nộp quyết định công nhận con nuôi và xác nhận của UBND xã cho trường là đủ. Theo quy định, mức trợ cấp cho các cháu là con người có công ở bậc mẫu giáo mỗi năm là 200.000 đồng; cấp 1,2 và 3 mỗi năm là 250.000 đồng. Khi vào trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học, mức nhà nước chi trả cho sinh viên mỗi năm có sự khác nhau tùy từng trường học.
Hiện ở Quảng Nam, một số huyện, thị nhận thấy việc làm sai trái nên đã đề xuất Chủ tịch UBND huyện ra quyết định hủy bỏ quyết định công nhận con nuôi của Chủ tịch UBND xã đối với một số trường hợp. Nhưng vẫn chưa có bất kỳ một hình thức kỷ luật nào đối với cán bộ làm sai. Số tiền ngân sách đã chi cho các trường hợp con nuôi ảo không có khả năng thu hồi.


Báo giấy



Theo tienphong.vn