TP - Hai năm học liên tiếp gần đây trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên) không có em nào bị liệt vào diện học sinh hư hoặc bị kỷ luật.


[IMG]//images.tienphong.vn/Uploaded/Images/b/8db/b8dbc6522373727b2bf62865bba814af.jpg.ashx?w=440&h= 250&crop=auto[/IMG]




Trường THPT Nguyễn Huệ tọa trên một quả đồi nhỏ ở điểm giáp ranh hai xã Phú Thịnh và Phú Xuyên - một khu vực an ninh xã hội phức tạp của huyện Đại Từ.
Nhìn những khuôn mặt hồn nhiên, chất phác ấy, ít ai ngờ các em là học sinh của một ngôi trường từng có nhiều học sinh quen nói chuyện với nhau bằng bạo lực. Thậm chí từng có một học sinh bị truy tố trước pháp luật vì tội ngộ sát bạn.
Khi cô giáo Vũ Thị Lan Oanh (SN 1979), nguyên bí thư Đoàn trường, bắt đầu về công tác tại đây (năm 2003), trường mới thành lập được vài năm. Đó cũng là thời điểm mở đầu cho giai đoạn có hiện tượng khủng hoảng đạo đức trong một bộ phận học sinh nhà trường.
Ông Vũ Xuân Hào, công an viên, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội tại xã Phú Xuyên của Công an Huyện Đại Từ nhớ lại: “Năm nào Công an xã cũng phải cùng nhà trường giải quyết trên chục vụ mà lý do là học sinh gây gổ đánh nhau có tổ chức, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc. Nhiều vụ đánh nhau xuất phát từ những trò trẻ con như cháu này bắt cháu kia phải mua kem cho mình ăn, cháu cậy thế nhà gần trêu ghẹo bạn nhà xa, v.v...”.
Từ những vụ việc tưởng như lặt vặt đó dẫn đến hai sự việc đau lòng. Việc thứ nhất xảy ra năm 2005, một học sinh nhà ở xã Phú Cường thiệt mạng trong một vụ xô xát với một bạn học (nhà ở xã Phú Thịnh). Việc thứ hai xảy ra năm 2006, cũng từ những va chạm nhỏ nhặt, một học sinh lớp 11A5 làm mù một mắt của bạn học.
Đoàn thanh niên vào cuộc
Theo thầy Trần Văn Mão, hiệu trưởng nhà trường, sở dĩ một số học sinh có những hành vi lệch chuẩn đạo đức là do sự xuống cấp đạo đức ở các em. Tận dụng ưu thế của trường là có nhiều giáo viên trẻ (trên 70 đoàn viên), thầy giao nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh cho tổ chức Đoàn và hệ thống giáo viên chủ nhiệm (phần lớn đều là đoàn viên).
Ban Chấp hành Đoàn trường phối hợp với chi đoàn các lớp, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách những học sinh được liệt vào diện hư hoặc những học sinh có mối liên hệ với thành phần bất hảo trong cộng đồng dân cư.
Những em này được tổ chức Đoàn phân công người theo dõi, kèm cặp, giáo dục, kịp thời khuyên giải hoặc ngăn chặn khi các em bắt đầu có ý định thực hiện hành vi xấu.
Mặt khác, Đoàn trường tổ chức thu hút học sinh cá biệt vào các hoạt động tập thể, một cách làm không mới nhưng luôn tạo hiệu quả bất ngờ.
Cô giáo Lan Oanh, người hai lần được nhận bằng khen của T.Ư Đoàn (2008, 2009), kể: “Năm học 2006 – 2007, tôi vừa là bí thư Đoàn vừa nhận chủ nhiệm lớp 12 A6.
Cô giáo chủ nhiệm lớp năm học trước lưu ý, trong lớp có em Đinh Trọng Ngh., một học sinh cá biệt, tôi tiếp xúc với em Ngh. và nhận thấy có thể cảm hóa được em.
Tôi động viên em tham gia các hoạt động tập thể. Trong những giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp, tôi chủ động giao việc cho em thì thấy em ấy hoạt động rất sôi nổi, có trách nhiệm. Cuối năm học, em Ngh đỗ tốt nghiệp – một kết quả mà ngay cả bố mẹ em cũng nói rằng họ không dám mơ”.
Đã hai năm học liên tiếp, trường không hề phải kỷ luật một học sinh nào.





Truyền hình trực tiếp “Ước mơ dưới mái trường thân thiện”
Hôm nay, 22/8, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp lúc 20 giờ chương trình giao lưu “Ước mơ dưới mái trường thân thiện”.
Đây là chương trình giao lưu nhằm tuyên dương, phổ biến, nhân rộng các điển hình tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà Bộ GD&ĐT phát động ngày 15/5/2008.











Theo tienphong.vn