Cùng với công tác xây dựng khung pháp lý về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh, Ủy Ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã tích cực thúc đẩy học tập kinh nghiệm quốc tế cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và mô hình dự kiến triển khai tới nhà đầu tư để các cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả.





Với vai trò là cầu nối trực tiếp giữa người cần vốn và người có vốn, trong điều kiện cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu ngày càng mở rộng về quy mô, thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức phát hành, nhà môi giới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hệ thống tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hướng tới chuẩn mực quốc tế, TTCK phái sinh ra đời là một bước tiến tất yếu trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam.



Thị trường phái sinh là thị trường dành cho các công cụ tài chính phái sinh, những công cụ mang tính hợp đồng, mà thành quả của chúng được xác định trên một hoặc một số công cụ tài sản khác. Các công cụ phái sinh như là các hợp đồng, được thỏa thuận giữa hai bên, người mua và người bán. Các hợp đồng này có giá cả và người mua sẽ cố gắng mua với giá rẻ và người bán cố gắng bán với giá cao nhất. Như vậy, TTCK phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính, như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn.



Ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết chứng khoán phái sinh được niêm yết trên Sở GDCK và các lệnh giao dịch cũng tương tự như các loại chứng khoán cơ sở, nên việc chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho triển khai TTCK phái sinh không quá phức tạp. Hệ thống giao dịch hiện tại của Sở GDCK có thể sử dụng cho việc niêm yết, giao dịch chứng khoán phái sinh, nên chỉ cần bổ sung một số tính năng mới là đáp ứng được yêu cầu. Cùng với công tác xây dựng khung pháp lý, UBCKNN còn tích cực thúc đẩy học tập kinh nghiệm quốc tế cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và mô hình dự kiến triển khai tới nhà đầu tư để các cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả.



Đến thời điểm hiện tại, công tác xây dựng khung pháp lý, chuẩn bị hệ thống cơ vật chất, kỹ thuật cho việc thiết lập, quản lý và vận hành TTCK phái sinh Việt Nam trong năm 2016 đang đi đúng tiến độ - ông Long cho biết thêm.



Ông Ati Atikul - Giám đốc điều hành, Khối chứng khoán phái sinh CTCK Maybank Kim Eng tại Thái Lan cho biết, tại Thái Lan trước khi sản phẩm bắt đầu được triển khai thì sở giao dịch đã đào tạo cho các công ty chứng khoán, từ đó các công ty chứng khoán đào tạo lại cho các nhà đầu tư. Số lượng các buổi hội thảo giới thiệu được tổ chức thường xuyên, qua đó sản phẩm được biết đến trước khi được triển khai. Lúc đầu, khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ chiếm đến 80%. Sau đó một thời gian khoảng 2 - 3 năm, nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều và đẩy lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân giảm và chỉ còn chiếm khoảng 55 - 60%, 20 - 30% là các tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15 - 20% còn lại.



Đánh giá về TTCK phái sinh tại Việt Nam, ông Ati Atikul cho rằng sẽ thu hút nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ điều này rất tốt cho thị trường, bởi vì khối lượng giao dịch của khối nhà đầu tư tổ chức rất nhiều, theo đó sẽ thu hút được nhà đầu tư cá nhân quan tâm và đi theo.



Tính đến tháng 9/2015, tổng giá trị vốn hóa trên TTCK Việt Nam xấp xỉ 51 tỉ USD, tương đương quy mô 30% GDP. Tuy nhiên, quy mô vốn hóa thị trường so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực, đứng sau cả Indonesia và Philippines, lần lượt là 41% và 95%. Do đó, sự ra đời TTCK phái sinh sẽ giúp thu hút thêm nhà đầu tư và dòng vốn nước ngoài. Điều này cũng sẽ là một cơ sở để TTCK Việt Nam được xem xét nâng hạng trên bảng MSCI (Công ty MSCI Inc. có trụ sở ở New York) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.





Ngọc Thảo










Theo stockbiz.vn