Thường khi TTCK tiến đến vùng đỉnh, margin cũng được đẩy lên mức cực đại. Vì vậy, việc VN Index chinh phục liên tiếp các đỉnh cao 600 rồi 610 điểm đã tạo ra những lo ngại về margin.



Vẫn chưa quá nóng



Nhìn lại dữ liệu lịch sử của TTCK trong 2 năm qua, lo ngại này là phù hợp, nhưng lịch sử không thể nói thay cho hiện tại. Những đặc tính tiêu biểu của dòng tiền margin khi ở trạng thái cực đại đó là “nóng” và “dồn dập”, đồng thời phản ánh rất rõ nét vào diễn biến của thị trường chung.



Dù VN Index đã có gần 2 tuần ở trên mốc 600 điểm, nhưng không phải NĐT nào cũng hào hứng, lạc quan chỉ có tại một số người đang giữ CP ở xu hướng (trend) tăng. Lý do rất đơn giản: Dòng tiền hiện chỉ tập trung tại một số CP trụ cột như BVH, FPT, VNM…



Có những phiên một mình VNM tăng giá kéo cả thị trường, không ít CP còn “tranh thủ” giảm giá. Nhìn qua diễn biến “sàn Hà” (HNX) cũng có thể thấy rất rõ không khí trầm lắng, nhiều CP đầu cơ hôm nay tăng giá, nhưng ngay hôm sau chỉ cần thấy thị trường có dấu hiệu yếu đi cũng giảm trở lại. Niềm vui không chia đều nên sự phấn khởi không lan tỏa và khó có chuyện NĐT tất tay margin để đua “hàng nóng”.



Về mặt định lượng, thật ngạc nhiên khi trong 7 phiên VN Index nằm trên ngưỡng 600 điểm, chỉ có 2 phiên (chưa tới 1/3 số phiên) GTGD khớp lệnh tại HOSE (không tính thỏa thuận) đạt trên 2.000 tỷ đồng. Nên nhớ rằng, rất nhiều đợt TTCK tăng nóng, dẫn đến hệ quả là những phiên giải chấp sau đó, GTGD phải lên đến 4.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng so với lịch sử thanh khoản chưa cao, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại TTCK chưa có nhiều tin, dẫn đến dòng tiền chưa mạnh.



Mã GMD, CP nổi bật trong nhóm ngành cảng, kho vận, logistics và hút tiền rất mạnh, đã tăng từ 3.2 lên 4.3 (tương đương 34%) chỉ sau hơn 2 tháng. Cuối phiên 6-11, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, đột nhiên GMD bị bán rất mạnh và có những thời điểm giá khớp lệnh tạm tính đã xuống sàn 39.600 đồng/CP. Dù cuối phiên lực mua tung ra nhiều hơn đã đẩy giá chốt của GMD lên 40.500 đồng/CP, nhưng đây cũng là một tín hiệu cảnh báo cho NĐT. Theo đó, CP có thể tăng mạnh cũng có thể giảm mạnh, dòng tiền margin có thể khiến CP nóng hơn, nhưng khi đã tăng đủ sẽ phải điều chỉnh. Và nếu giá CP được tích lũy bởi dòng tiền margin quá nhiều, những phiên bán tháo sẽ rất dễ xuất hiện. Quy luật này có thể xuất hiện tại nhiều CP và đó là lý do những năm gần đây, có những CP nhiều người cho rằng “khó sàn” hoặc “không thể sàn” vào một thời điểm nào đó vẫn bị bán xối xả về giá sàn.



Tại một số CP đã hết room, nhưng vẫn tăng giá mạnh với tỷ lệ trung bình khoảng 20% chỉ trong 2-3 tuần. Nhìn nhận cho thấy dòng tiền trong nước sẽ đóng vai trò chủ lực với mục tiêu ngắn hạn, trong đó cũng có cả margin. Nhìn theo trend dài, có thể CP sẽ còn tăng, nhưng trong ngắn hạn, nếu tỷ lệ tăng quá mạnh hoặc margin quá lớn, CP điều chỉnh là tất yếu. Như vậy, nếu thị trường vẫn diễn biến xoay quanh một số CP trụ cột, tức là tăng nhờ trụ và giảm cũng bởi trụ thì áp lực margin là có. Tuy nhiên, nếu có sự phân hóa và luân phiên giữa các nhóm CP, lo ngại này sẽ được giảm thiểu.



Cẩn trọng nhưng đừng dè dặt



Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thanh khoản chưa thể tăng mạnh đó là CP nóng, đầu cơ chưa có dòng tiền mồi để chạy, dẫn đến các NĐT khác trở nên e dè và hạn chế giải ngân, tất nhiên margin cũng không có cơ hội chạy mạnh. Như vậy, để nhận định về dòng chảy margin, cần quan sát diễn biến của những CP có vốn hóa cao, thanh khoản lớn và có xu hướng tăng nóng. Nếu những CP này thức giấc trở lại và dần thay thế vai trò của nhóm trụ cột, nhiều khả năng thanh khoản thị trường tiếp tục tăng cao, dòng tiền margin sẽ không bị dồn ứ. Ngoài ra, cũng cần lưu tâm đến hiện tượng tích lũy margin, vốn chỉ xuất hiện hơn 1 năm qua. Thông thường CP nóng, chạy nhanh mới hút margin, tuy nhiên việc chọn đúng CP, tăng đủ T+3 càng lúc càng khó, nên hành động có thể chuyển sang sử dụng margin để tích lũy CP nhằm đón đầu sóng tăng.



Một lý do dẫn đến hành động này, đó là mùa BCTC quý III đang bước vào những ngày cuối cùng với hạn chót ngày 15-11 để các công ty niêm yết nộp BCTC hợp nhất, kỳ vọng KQKD đang ở mức cao nhất. Đó là chưa kể kỳ vọng đối với TTCK sau những thông tin nới room hay TPP rất cao. Như vậy, thanh khoản của thị trường có thể chưa tăng mạnh vì nhiều CP vẫn chưa tăng, không phải do tiền yếu, không có margin, do margin đang tích lũy tại một số CP và những CP đó chưa tăng mạnh nên chưa có nhiều giao dịch. Nếu nhóm CP trụ cột đảo chiều, trong khi dòng tiền không có sự dịch chuyển, hiện tượng CP chưa tăng nhưng khi thị trường giảm lại giảm theo rất dễ xuất hiện.



Áp lực margin vẫn chưa lan ra toàn thị trường, nhưng đang tập trung tại một số CP hoặc các NĐT nhất định. Và trong một chừng mực nào đó, lo ngại margin nếu có cũng là điều đúng đắn, vì cẩn thận không bao giờ thừa, nhất là những phiên giảm mạnh nhất thường đến từ việc giải chấp. Dù vậy, NĐT cũng cần thận trọng suy xét để tránh những động thái tát nước theo mưa, đánh vào mối lo ngại margin dẫn đến việc mất cơ hội sinh lời hoặc thua lỗ không đáng có.





Diệu Khanh










Theo stockbiz.vn