Hơn 3 năm thị trường suy thoái, một số công ty chứng khoán (CTCK) đang dần hồi phục, làm ăn có lãi. Song, phần nhiều công ty vẫn còn khó khăn, chật vật tái cơ cấu, tìm đối tác sáp nhập, hoặc bán cho đối tác nước ngoài để mong thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'.



Đến hết quý III/2015, bức tranh lợi nhuận của các CTCK nhìn chung vẫn khá ảm đạm, tăng trưởng thấp và chỉ có một vài điểm sáng ở những CTCK lớn. Hiện, có 6 CTCK tăng trưởng lợi nhuận dương, 12 CTCK tăng trưởng lợi nhuận âm và 2 công ty báo lỗ.



Ám ảnh thua lỗ



Các cổ đông của công ty CP chứng khoán Tp.HCM (HSC) không khỏi thất vọng khi quý III, doanh thu của HSC bị giảm tới 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 153,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 57%, chỉ đạt 45,3 tỷ đồng.



Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, HSC báo lãi gần 144 tỷ đồng, giảm 55% và chỉ hoàn thành 44,4% kế hoạch cả năm. Kết quả lợi nhuận sa sút là do HSC đã bị lỗ hơn 5,8 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh chứng khoán, cùng với hoạt động môi giới khó khăn, doanh thu sụt giảm mạnh…



Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng bị giảm tới 42% doanh thu trong quý III, chỉ đạt 61 tỷ đồng và lợi nhuận giảm tới 90%, chỉ còn 4 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận 9 tháng qua đã 'bốc hơi' tới 52% so với cùng kỳ năm trước.



Một số CTCK của ngân hàng cũng làm ăn sa sút. Đơn cử, công ty chứng khoán Agribank (AGR) báo lỗ tới 26,4 tỷ đồng trong quý III, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 39 tỷ đồng.









Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng bị sụt giảm khá mạnh lợi nhuận tới 94%, chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng qua bị giảm 54% và đạt hơn 30,7 tỷ đồng.



Báo cáo tài chính cho hay, đến 30/9/2015, công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) bị lỗ luỹ kế 5,4 tỷ đồng và doanh thu sụt giảm mạnh, chỉ đạt gần 58 tỷ đồng. Còn công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bị giảm tới 94% lợi nhuận quý III và luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sụt giảm 81%.



Tại công ty CP Chứng khoán Kim Long (KLS), doanh thu 9 tháng đạt 123 tỷ đồng, giảm mạnh 36%. Riêng quý III, công ty báo lỗ 45 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng hơn 87 tỷ đồng.



Bên cạnh những gam màu tối về lợi nhuận, trên thị trường vẫn có những CTCK làm ăn có lãi, có tăng trưởng đều đặn dù chưa thể hồi phục như thời kỳ huy hoàng.



Trong 9 tháng, công ty CP chứng khoán Bản Việt đạt lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng (tăng 86,3% so với cùng kỳ), Chứng khoán BIDV đạt 90 tỷ đồng lợi nhuận (tăng 65%), Chứng khoán Maybay Kimeng báo lãi 23,6 tỷ đồng (tăng 72%)…



Ở vị trí dẫn đầu thị trường, công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ghi nhận doanh thu 354,35 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 267,55 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng, SSI đạt hơn 947 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12,8% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 766,5 tỷ đồng (tăng 13%).



Đường nào thoát hiểm?



Dù lợi nhuận sụt giảm, thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng nhiều CTCK vẫn cố gắng bám trụ, duy trì hoạt động để tìm con đường sống. Có không ít CTCK đã không thể cầm cự được, phải tìm cách sáp nhập để có hi vọng tồn tại.



Như trường hợp công ty CP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco) và công ty CP chứng khoán Á Âu (AAS) đã quyết định hợp nhất để xoá lỗ luỹ kế, đồng thời, đáp ứng điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn (dự kiến là mã HAC) nhằm kêu gọi vốn.



Tại ngày 30/6/2015, Haseco bị lỗ luỹ kế tới 212 tỷ đồng (vốn điều lệ 400 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 290 tỷ đồng. Còn AAS có vốn điều lệ 35 tỷ đồng nhưng thua lỗ lớn, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn… 1,4 tỷ đồng.



Nếu cứ duy trì tình trạng thua lỗ luỹ kế thì hai công ty sẽ bị mất hết vốn, không đủ điều kiện hoạt động và có nguy cơ phá sản. Lãnh đạo Haseco cũng nói thẳng với cổ đông rằng nếu tự xử lý thì phải mất tới 10 năm công ty này mới xoá hết lỗ luỹ kế. Sau khi hợp nhất, công ty mới sẽ có vốn điều lệ khoảng 292 tỷ đồng.



Một cửa thoát hiểm nữa đang được các CTCK tính đến là tìm kiếm đối tác, bán cổ phần cho nước ngoài. Mới đây, công ty chứng khoán An Thành đã được UBCK chấp thuận việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cụ thể, bán 26,34% cổ phần cho Tsai Hsiu-Li và 19,51% cho Lan Wan-Chen (Đài Loan). Tổng sở hữu của khối ngoại sẽ lên tới 45,85% tại An Thành.



Một số CTCK như KIS, NASC, MASVN cũng đã trình ĐHCĐ xem xét chấp thuận việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhằm cứu nguy cho tình hình tài chính bết bát, thua lỗ triền miên.



Với việc các CTCK được nới 'room' sở hữu khối ngoại tối đa tới 100%, công ty thua lỗ sẽ cần nguồn lực tài chính của các ông chủ ngoại để hồi sinh.



Thu Hằng










Theo stockbiz.vn