Không chỉ gây bất ngờ về kế hoạch M&A các doanh nghiệp tiềm năng, một số công ty niêm yết còn khiến nhà đầu tư 'choáng' về khả năng thu xếp vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay nợ… giữa lúc thị trường khó khăn hiện nay không hề dễ dàng.



Hai công ty có kế hoạch M&A đáng chú ý là công ty CP Đầu tư F.I.T (mã: FIT), công ty CP tập đoàn PAN (mã: PAN). Cùng với đó, hai công ty này cũng dồn dập phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn đầu tư vào các doanh nghiệp được mua lại.



Dồn dập phát hành cổ phiếu



Sau khi công bố chiến lược M&A, Tập đoàn PAN cũng lên kế hoạch phát hành khối lượng lớn cổ phiếu để huy động vốn phục vụ mục đích này. Mới đây, PAN thông báo chào bán thêm 16,628 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/CP), tương ứng giá trị hơn 166 tỷ đồng.



Tiền bán cổ phiếu sẽ dùng phục vụ kế hoạch M&A doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Hiện, PAN đẩy mạnh mua bán sáp nhập DN có tình hình kinh doanh tốt, tiềm năng, cơ sở vật chất hoàn thiện… để hoàn thiện chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính chung hai năm qua, PAN đã thực hiện 3 đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, huy động được hơn 1.600 tỷ đồng. Ngoài ra, PAN còn tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tương ứng 8.314.375 cổ phần (giá trị hơn 83 tỷ đồng) cùng với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 5:1) trong năm nay.



Chỉ trong 3 năm, Tập đoàn PAN cũng gây choáng khi hoàn thành 5 thương vụ M&A lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, nắm quyền kiểm soát 3 công ty giống cây trồng lớn là Vinaseed (NSC) và Southern Seed (SSC), thâu tóm 2 công ty con khác là công ty CP Xuất khẩu thủy sản Bến Tre, công ty chế biến hạt điều Lafooco (LAF) và Công ty bánh kẹo Bibica (BBC).



Không thua kém PAN, FIT cũng liên tục công bố các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm, tiêu dùng, thương mại… Tính đến nay, FIT đã nắm quyền kiểm soát tại 6 công ty con, công ty liên kết tiềm năng, gồm: công ty CP nông Dược Cần Thơ (TSC), Westfood, TSC Seeds, Today Cosmestic, FIT Trading…



Để huy động vốn phục vụ kế hoạch M&A, FIT cũng liên tục tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và hiện vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn chuẩn bị phát hành thêm trái phiếu huy động vốn trong năm nay.



Kỳ vọng đồng vốn sinh lời



Phát hành cổ phần tăng vốn 'thần tốc' cả nghìn tỷ đồng, đem tiền đổ vào M&A doanh nghiệp dường như đang là xu hướng lựa chọn đầu tư của nhiều công ty niêm yết.



Sau những thương vụ thâu tóm đình đám, điều quan trọng là kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tổ bộ máy điều hành, củng cố quản trị, phát triển thị trường mục tiêu… giúp DN thoái khỏi nguy cơ thua lỗ, phá sản.



Để làm được như vậy, những ông chủ mới cần nguồn tiền thật để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Vấn đề đặt ra là trong các cuộc M&A, công ty sẽ sử dụng đồng vốn như thế nào cho hiệu quả, đảm bảo sinh lời cho các cổ đông?



Như trường hợp FIT, FIT dự định đầu tư nắm giữ dài hạn tại công ty CP Sao Nam (nắm 30% vốn) chuyên về sản phẩm mỹ phẩm nước rửa tay xịt phòng. Đầu năm 2015, công ty này đã được đầu tư mạnh hơn với việc tăng vốn điều lệ từ 17,5 tỷ đồng lên 156 tỷ đồng.



Tuy nhiên, đầu tháng 10/2015, FIT công bố thay đổi chiến lược đầu tư vào Sao Nam, theo đó, chỉ đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong khi đó, TSC – công ty con của FIT – lại cho biết sẽ mua 35,78% vốn của Sao Nam (5,6 triệu cổ phần) và đầu tư vào khoảng 402,5 tỷ đồng từ nguồn phát hành tăng vốn năm nay (chiếm tới 54% tổng vốn huy động được).



Với việc mở rộng M&A và đầu tư vào DN, FIT chỉ đặt mục tiêu kinh doanh năm 2015 khá khiêm tốn, với doanh thu 2.309 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 376 tỷ đồng và lãi sau thuế 251 tỷ đồng. Tỷ suất LNTT trên doanh thu đạt 16,28%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm nay là 15%.



Dù không ngừng gia tăng quy mô doanh nghiệp M&A, PAN đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 là 2.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 280 tỷ đồng (tăng 50%). Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%.



Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của PAN, chia sẻ với cổ đông rằng PAN lựa chọn lấn sân vào nông nghiệp thông qua cách M&A các DN tốt để tạo đà tiến nhanh hơn.



Hải Hà










Theo stockbiz.vn

View more random threads: