Trước áp lực cổ phiếu mất giá thảm hại, một số công ty đã cuống cuồng mua vào cổ phiếu quỹ như một giải pháp tình thế, nhằm chặn đà giảm giá. Song, lựa chọn mua cổ phiếu quỹ sẽ cần phải đảm bảo khả năng cân đối dòng tiền và tính toán rủi ro biến động giá cổ phiếu xấu hơn.



Nhiều nhà đầu tư, cổ đông của công ty CP thiết bị y tế Việt Nhật (mã: JVC) đã rất bức xúc khi giá cổ phiếu này lao dốc 'không phanh', từ hơn 25.000 đồng/CP xuống còn 4.500 đồng/CP ở hiện tại. Tức cổ phiếu JVC đã mất giá tới 77% thị giá chỉ trong vòng 3 tháng kể từ sau biến cố của ông Lê Văn Hướng (hồi giữa tháng 6/2015).



Cân nhắc thời điểm



Những thông tin xấu về JVC xảy đến dồn dập, như kết quả kinh doanh thấp, hợp đồng bị huỷ, ngân hàng thu nợ, tài chính kém minh bạch, cổ đông lớn Nhật Bản rút người điều hành… Chỉ chừng ấy cũng đủ để 'hạ gục' bất kỳ cổ phiếu nào trên sàn chứng khoán.



Điều khó hiểu là vì sao suốt 3 tháng khủng hoảng, công ty Thiết bị y tế Việt Nhật không hề có động thái đỡ giá, như mua vào cổ phiếu quỹ, hay có 'đội lái' can thiệp chặn đà giảm giá… Thậm chí, một cổ đông còn chất vấn HĐQT rằng 'phải chăng cố phiếu JVC giảm sâu vì bị dìm giá và liệu công ty có đang bị thâu tóm hay không?'.



Nhà đầu tư tên Hương – từng sở hữu 30.000 cổ phiếu JVC – chia sẻ: khi công ty xảy ra biến cố và nhận định giá cổ phiếu sẽ giảm sâu, bà đã quyết định bán bớt 70% số lượng cổ phiếu ở mức giá 16.000 đồng/CP.



'Cứ hi vọng công ty có cổ đông Nhật Bản, có sự hỗ trợ và nền tảng của JVC thì giá cổ phiếu sẽ ổn định. Nhưng, cổ phiếu giảm mạnh không kịp trở tay nên bị kẹt 10.000 cổ phiếu nữa, chưa biết xử lý thế nào'- Bà Hương nói, ngao ngán vì lãnh đạo JVC xử lý chậm trễ, cũng chưa có kế hoạch gì rõ ràng cho tương lai của công ty để giá cổ phiếu có hi vọng hồi phục.



Đến ngày 13/10, HĐQT công ty này mới đồng ý mua vào 5,63 triệu cổ phiếu JVC, tỷ lệ 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường.



Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn từ các quỹ và thặng dư vốn cổ phần để mua số cổ phiếu quỹ này, thực hiện giao dịch khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn HSX. Hiện, JVC vẫn chưa công bố thời gian mua cổ phiếu quỹ cụ thể.



Việc mua cổ phiếu quỹ cũng được HĐQT tính đến, đã xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ ngày 1/10 vừa qua, song chưa có phương án mua cụ thể về số lượng, mức giá mua.



Chốt phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu JVC đã tăng kịch trần, lên 4.800đ/CP. Với mức giá này, ước tính JVC sẽ phải chi ra khoảng 27 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ và là số tiền không nhỏ trong tình cảnh dòng tiền của JVC đang rất căng thẳng.



Khó khăn chồng chất



Thời gian gần đây, giá cổ phiếu của nhiều công ty niêm yết như JVC, OGC, OCH, SHN, SHB… đã giảm rất mạnh do những thông tin bất lợi về sai phạm pháp lý của lãnh đạo, hay thông tin sáp nhập với tổ chức yếu kém. Việc mua cổ phiếu quỹ được cho là cần thiết để 'đỡ' giá và bảo vệ túi tiền của cổ đông, nhà đầu tư đang 'ngót' đi đáng kể.



Còn nhớ, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) đã từng điêu đứng vì sự cố hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt giam do sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tài chính. Tháng 8/2012, giá cổ phiếu ACB đã rơi thẳng đứng, từ trên 24.000 đồng/CP xuống mức 16.000 đồng/CP và nguy cơ giảm giá luôn thường trực.



Để nâng đỡ giá cổ phiếu, khi ấy, ngân hàng ACB đã thực hiện mua vào cổ phiếu ACB làm nguồn cổ phiếu quỹ trong năm 2013 –2014. Năm 2013, ngân hàng đã mua vào 16,18 triệu cổ phiếu quỹ.



Sang năm 2014, ACB đã đăng ký chào mua tổng số 51,3 triệu CP, nhưng chỉ mua được 11,7 triệu cổ phiếu ACB (giá bình quân 16,743 đồng/CP), có trị giá gần 196 tỷ đồng (tháng 4/2014) và mua thêm được 13,5 triệu cổ phiếu ACB (giá bình quân 15.490 đồng/CP) trị giá 209 tỷ đồng. Tính chung, ACB đã chi tổng cộng 405 tỷ đồng để tăng sở hữu lên 41,41 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 4,42% vốn điều lệ ngân hàng.



Với động thái mua cổ phiếu quỹ, trên thị trường đã có hiệu ứng tích cực hơn khi giá mã ACB ổn định hơn, nhà đầu tư có điểm tựa để hi vọng giá cổ phiếu sẽ được 'cứu' trong ngắn hạn.



Thực tế, không phải công ty niêm yết nào cũng có đủ điều kiện, khả năng tài chính, cân đối dòng tiền để có thể mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá. Như trường hợp Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC), cổ phiếu này đã rơi tự do sau hàng loạt vụ bắt giam lãnh đạo Oceanbank, ngân hàng bị mua 0 đồng, tập đoàn báo lỗ hơn 2.520 tỷ đồng (năm 2014), bán tháo tài sản… Giá cổ phiếu OGC hiện chỉ còn giao dịch ở mức 2.500 đồng/CP, thanh khoản yếu, nhà đầu tư chán nản vì 'mắc kẹt' với OGC.



Lãnh đạo OGC đã không chọn giải pháp mua cổ phiếu quỹ, không có những thông tin trấn an cổ đông, dường như muốn buông xuôi. Thực tế, công ty khó có thể xoay sở được nguồn tiền để mua cổ phiếu quỹ.



Tương tự, dù không công bố thông tin về 'sức khoẻ' của JVC nhưng lãnh đạo công ty cũng chia sẻ tình hình tài chính căng thẳng, như: ngân hàng cưỡng chế thu nợ, khách hàng huỷ hợp đồng, không thể vay vốn… Do đó, mục tiêu trước mắt của JVC là ổn định tình hình để có thể được ngân hàng tái cấp vốn. Còn giá cổ phiếu giảm sâu thì lãnh đạo công ty cũng chỉ biết nói lời xin lỗi cổ đông!



Thu Hằng








Theo stockbiz.vn