Theo chủ trương của NHNN, một số ngân hàng TMCP lớn đã phải nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng yếu kém, hoặc có chung chủ sở hữu. Những ảnh hưởng xấu từ việc sáp nhập tới kết quả kinh doanh chung đã khiến giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm rõ rệt.



Không chỉ cổ phiếu mất giá, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại ngân hàng 'hậu sáp nhập' sẽ bị kéo lùi sự phát triển, vì phải tập trung xử lý nợ xấu, tồn tại, ổn định hệ thống… Mặc dù ban lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định sẽ ổn định hoạt động, có lãi, đảm bảo quyền lợi của ngân hàng song kết quả có tốt lên không, lại chưa ai dám cam kết và chịu trách nhiệm.



Dồn dập sáp nhập, cổ phiếu rớt giá



Sau cuộc 'hôn nhân' bất thành với Sacombank, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) hiện được cho là sẽ 'xe duyên' với NamABank. Dù các bên chưa có động thái nào rõ ràng, nhưng sự xuất hiện của hai đại diện đến từ NamABank ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 là một bước đi có chủ đích. Hiện, Eximbank vẫn chưa thể bầu lại HĐQT mới, chưa có kết luận thanh tra và việc xử lý nợ xấu vẫn bộn bề.



Nhưng, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu EIB đã phản ứng mau lẹ hơn theo xu hướng kém lạc quan. Trong vòng 1 tháng qua, mã này đã giảm từ mức 12.000 đồng/CP xuống còn 11.600 đồng/CP ngày 12/10/2015, tức giảm nhẹ 3,3% thị giá. Tính chung 9 tháng qua, cổ phiếu EIB đã mất tới 16,55% thị giá, từ mức cao nhất 13.900 đồng/CP và giá trị vốn hóa ngân hàng bị 'bốc hơi' cả nghìn tỷ đồng (hiện vốn hóa đạt 14.261 tỷ đồng).



Biến động giá cổ phiếu EIB được lý giải do nhiều nguyên nhân, như: tình hình kinh doanh sa sút (năm 2014, ngân hàng báo lãi chỉ 56 tỷ đồng và 6 tháng năm 2015 đạt 630 tỷ đồng), nợ xấu lớn, xử lý khó khăn, ngân hàng bị thanh tra, cổ đông lớn chuẩn bị thoái vốn… Các nhà đầu tư lại đang quá ít thông tin về tình hình sức khỏe thực sự của Eximbank, biến động nhân sự cấp cao cùng kết quả thanh tra còn bỏ ngỏ.



Trường hợp Ngân hàng TMCP Quân đội (mã: MBB) nhận sáp nhập công ty tài chính Sông Đà (SDFC) có sức khỏe yếu kém cũng gây bất ngờ cho cổ đông, nhà đầu tư.



Theo ông Lưu Trung Thái, đối tác sáp nhập này đã được MB tìm hiểu, đánh giá và nhận thấy 'tương đối phù hợp với ngân hàng'. Điều quan trọng là MB sẽ có được giấy phép kinh doanh tài chính tiêu dùng của SDFC, thay vì phải mất công xây dựng công ty mới.



Ngày 6/10, ĐHCĐ bất thường của MB đã chính thức thông qua chủ trương nhận sáp nhập SDFC và phương án phát hành cổ phiếu, tỷ lệ hoán đổi, đề án sáp nhập… Trong 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu MBB đã giảm mạnh, từ mức 15.500 đồng/CP xuống còn 14.800 đồng/CP chiều 12/10, tức mất tới 4,5% thị giá. Khối lượng giao dịch đạt gần 2,68 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 39,8 tỷ đồng.



Đáng chú ý, phiên ngày 8/10, cổ phiếu MBB được giao dịch khủng tới 49,9 triệu đơn vị, giá trị 784,96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 40.572 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 643,72 tỷ đồng.



Hay cặp đôi ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) và công ty tài chính Vinaconex – Viettel (VVF), dự kiến sẽ họp ĐHCĐ bất thường trong tháng 10 này để 'chốt' giao dịch sáp nhập nhưng giá cổ phiếu SHB đã liên tục lao dốc thảm hại, hiện giao dịch quanh mức 6.800-7.000 đồng/CP.



Với mức giá này, khi SHB phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần VVF với mệnh giá 10.000 đồng/CP (tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1) thì cổ đông VVF có phần thiệt thòi.



Cõng nợ của ngân hàng yếu



Giữa lúc TTCK phục hồi chậm và tái cơ cấu còn khó khăn, giá cổ phiếu ngành ngân hàng chưa có sức bật để quay lại thời kỳ đỉnh cao trên 20.000 đồng/CP. Ở các ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, sáp nhập, giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, bất chấp những thông tin tích cực về nỗ lực tái cơ cấu, ổn định hoạt động, 'dọn dẹp' nợ xấu…



Khi ngân hàng lớn nhận sáp nhập một tổ chức yếu kém, như Sacombank (mã: STB) 'ôm' Southernbank, thì ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, các chỉ số tài chính, an toàn là không thể phủ nhận. Chẳng hạn, Sacombank hiện có tỷ lệ nợ xấu khá thấp là 1,18% (khoảng 1.488 tỷ đồng). Còn nợ xấu của Southernbank có thời điểm lên tới 55,31% dư nợ và hiện còn hơn 4.316 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý (tính tới cuối năm 2014).



Nếu sáp nhập, Sacombank sẽ phải chia sẻ khối nợ xấu này của Southerbank bằng việc tăng trích dự phòng rủi ro, xử lý thu hồi… từ đó, đe dọa lợi nhuận. Và theo lộ trình, việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong quý IV/2015, tức ảnh hưởng từ cuộc sáp nhập sẽ phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh năm nay của Sacombank.



Dự liệu những ảnh hưởng xấu này, HĐQT Sacombank cũng chỉ đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn gồm: tín dụng tăng trưởng 14%, tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5%, lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 5,2% đạt 3.000 tỷ đồng, cổ tức từ 8-10%.



Với định hướng tái cơ cấu 'hậu sáp nhập' khả quan hơn, cổ phiếu STB vẫn duy trì đà tăng trưởng, tức mức 16.300 đồng/CP cuối tháng 9, hiện tăng lên 18.200 đồng/CP. Đây cũng là điều an ủi phần nào cho cổ đông, nhà đầu tư đang nắm giữ STB.



Thu Hằng










Theo stockbiz.vn