Với giao dịch chứng khoán trong ngày, nhà đầu tư sẽ được vừa mua vừa bán chứng khoán, cổ phiếu quỹ trong một ngày giao dịch trên nhiều tài khoản. Thậm chí, sẽ được bán chứng khoán đang chờ về tài khoản để tăng thanh khoản, sức hấp dẫn, giảm rủi ro thị trường.



Đây là một trong những điểm mới tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 được nhiều nhà đầu tư (NĐT), các thành viên thị trường chờ đợi. Hiện, Bộ Tài chính, UBCK đang tiếp thu các góp ý để sớm hoàn thiện, trình phê duyệt thông tư mới này.



Lo ngại rủi ro hệ thống



Tại hội thảo ngày 7/10 góp ý cho dự thảo này, đại diện các công ty chứng khoán (CTCK), đơn vị lưu kí đều kiến nghị làm rõ hơn quy định, nới quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0), giao dịch ký quỹ. Việc sửa đổi phải tạo thuận lợi cho NĐT giao dịch, thanh toán, đảm bảo an toàn, hạn chế các rủi ro, bất ổn.



Theo dự thảo, với giao dịch T+0 các NĐT phải thực hiện bán hoặc mua một lượng CK tương tự lượng đã mua hoặc bán đi để bù trừ cho giao dịch trước đó ngay trong ngày.



Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (UBCK), cho biết khi đưa ra quy định hạn chế giao dịch CK trong ngày, hàng loạt CTCK kêu than rằng họ có nguy cơ bị đóng cửa.



Tuy nhiên, 'Giao dịch T+0 là một công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe. Ngay cả trên các TTCK lớn như Đài Loan, thực hiện giao dịch trong ngày cũng không đơn giản. Ban đầu, họ chỉ thử nghiệm cho mua trước – bán sau và 6 tháng sau đó mới cho thực hiện nghiệp vụ ngược lại. Tại Việt Nam, việc này nếu thực hiện không cẩn thận có thể dẫn tới bất ổn cho thị trường'- ông Sơn nhận định



Vì tính chất phức tạp của T+0 nên UBCK có nghiên cứu giảm bớt các tiêu chí, nhưng sẽ đảm bảo tính minh bạch, ổn định cho TTCK. Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 đưa ra các quy định siết chặt việc giao dịch trong ngày. Cụ thể: NĐT không được giao dịch với lô lẻ, giao dịch thoả thuận, phải là CK được giao dịch ký quỹ. NĐT giao dịch trong ngày có trách nhiệm đảm bảo số lượng CK bù trừ đối ứng mua, bán trong ngày.



Trường hợp lệnh bán nhiều hơn mua thì CTCK có trách nhiệm hỗ trợ và xử lý theo nguyên tắc thiếu hụt (sử dụng CK của NĐT, CTCK, margin, hoặc cưỡng chế mua- bán) để hoàn tất mua bán, tránh huỷ giao dịch…



Với T+0, dự thảo còn cho phép NĐT vừa mua vừa bán CK, cổ phiếu quỹ trong một ngày giao dịch dựa trên nhiều tài khoản khác nhau. Đồng thời, 'nới' quy định cho phép NĐT được bán chứng khoán đang chờ về tài khoản và các giao dịch mua bán trong ngày. Các cổ phiếu được giao dịch trong ngày sẽ là danh mục các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ, mở rộng hơn so với danh mục thuộc VN30 và HNX30.



Siết năng lực công ty chứng khoán



Dự thảo này cũng đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn đối với CTCK muốn cung cấp dịch vụ giao dịch T+0, gồm: CTCK có vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định (dự thảo trước quy định vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên); không có lỗ luỹ kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, tỷ lệ nợ trên VCSH không vượt quá 3 lần; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất…



Như vậy, ước chừng chỉ có khoảng 16 CTCK lớn mới đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch T+0, số còn lại mặc định bị loại. Quy định này nhằm 'sàng lọc' các CTCK đủ năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hệ thống, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền và lợi ích của NĐT.



Góp ý cho Dự thảo, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc công ty chứng khoán HSC, cho rằng giao dịch CK trong ngày nên để trên tài khoản riêng và đề nghị cho ghép tài khoản CK trong ngày vào TK 'Cash' (tiền mặt) như ở Thái Lan đang làm.



Bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ, Phó Tổng giám đốc công ty chứng khoán Bảo Việt, đánh giá cao nhiều sửa đổi giúp 'gỡ khó' cho NĐT, CTCK. Song, bà Thủy cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi một số quy định cho phù hợp, tạo thuận lợi hơn.



'Dự thảo quy định nếu NĐT không có tiền để thanh toán cho số CK đã mua mà chưa kịp bán thì CTCK có trách nhiệm lấy vốn, tài sản để thanh toán đầy đủ cho khách hàng. Như vậy làm khó cho chúng tôi vì CTCK cho khách hàng vay tiền mua CK từ tài khoản của mình, nhưng khi bán, tiền lại về thẳng TK của NĐT tại ngân hàng và có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn cho CTCK nếu NĐT chây ỳ không trả nợ vay'- bà Thủy chỉ rõ.



'Với các quy định giao dịch trong ngày, các CTCK sẽ hỗ trợ cho vay, thanh toán tiền cho NĐT. Do đó, rất cần cơ chế phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, nhất là khi giá CK sụt giảm mạnh. Đây là yếu tố quyết định trong vấn đề thanh toán giao dịch CK trong ngày'- bà Thuỷ nhấn mạnh.



Đại diện các CTCK, thành viên lưu kí cũng đề nghị sửa đổi quy định thanh toán, điều kiện cấp tín dụng ngân hàng, hạn chế không cho NĐT ngước ngoài vay… Tuy vậy, lãnh đạo UBCK cho rằng việc siết chặt quy định về thanh toán nhằm đảm bảo an toàn tài chính, quản lý rủi ro khi giao dịch.



Thu Hằng










Theo stockbiz.vn