Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tác động của TPP trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán không quá đáng kể.



Sau những phiên đàm phán căng thẳng từ ngày 30/9 tại Atlanta (Mỹ), bộ trưởng thương mại các nước TPP đã đạt được một thỏa thuận theo đó sẽ cắt giảm các hàng rào thương mại và thiết lập các chuẩn mực chung cho 12 nước tham gia hiệp định.



Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada.



Như vậy, sau tiến trình 5 năm đàm phán, Hiệp định TPP cuối cùng đã hoàn tất khi các nước dần dần thu hẹp các bất đồng, trong đó hóc búa nhất là vấn đề tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.



Nhiều nghiên cứu cho rằ ng Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất khi hiệp định TPP được thông qua. Tuy nhiên TPP sẽ không chı̉ có tác động một chiều mà sẽ là cả hai chiều đến Việt Nam.



Tác động của TPP tới chỉ số chứng khoán chung sẽ không quá mạnh mẽ



Trong một báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tác động trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán không quá đáng kể. Sự tích cực từ khả năng trên sẽ lan tỏa dần bởi các nguyên nhân như quy mô vốn hóa của các ngành có ảnh hưởng tích cực nhờ TPP không quá lớn; do vậy tác động tới chỉ số chứng khoán chung sẽ không quá mạnh mẽ.



BSC cũng cho rằng TPP vẫn cần một khoảng thời gian để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản chung.



Các nhóm ngành (dự kiến) được hưởng lợi khi TPP được thông qua là Dệt may, Da giầy, Thủy sản, Gỗ, Phân phối ô tô, Khu công nghiệp, Cảng biển…



Các nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn bảo gồm Mía đường, Dược, Nông sản…



Mía đường – dược – thức ăn chăn nuôi sẽ gặp khó khăn



Theo BSC, việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bõ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Úc – nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới chi phí sản xuất khoảng 20 USD/1 tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/1 tấn.



Trong khi đó, việc tham gia hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Theo hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2.5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội.



Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi hiện tại của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, đặc biệt là cạnh tranh các sản phẩm từ Úc và Mỹ do đâynhững nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất lớn.



Bình An










Theo stockbiz.vn