Trong khi các thị trường mới nổi, từ nhóm BRIC cho đến Next 11, đều đang giảm mạnh, chứng khoán Việt Nam lại đang nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi.



Hãng tin Bloomberg vừa đưa ra so sánh về 2 nhóm các nước mới nổi là nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc và nhóm Next 11 bao gồm các quốc gia nổi bật được hãng Goldman Sachs lựa chọn đầu tư trong đó có Hàn Quốc, Indonesia, Philippin, Nigeria, Bangladesh, Ai Cập, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Iran và Việt Nam.



Bloomberg cho biết, thời điểm này năm trước, giá cổ phiếu của nhóm Next 11 giao dịch ở mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các thị trường này. Lượng tiền rót vào các thị trường Next 11 khiến tài sản của quỹ đầu tư cổ phiếu do Goldman Sachs quản lý lúc đó đã tăng cao gấp 2 lần so với tài sản của quỹ đầu tư vào nhóm BRIC.



Nhưng giờ đây, các nước Next 11 có vẻ đã tệ hơn nhiều so với nhóm BRIC. Tính đến cuối tuần trước, chỉ số chứng khoán của nhóm Next 11 đã giảm tới 19% so với đầu năm nay, trong khi chỉ số của nhóm BRIC giảm 14%.



Nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, khiến quỹ đầu tư của Goldman Sachs vào nhóm Next 11 giảm mạnh.



Sự đảo chiều này cho thấy việc dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng lên – những đặc điểm ban đầu mà Goldman Sachs thấy hấp dẫn để đầu tư vào nhóm Next 11 cách đây 1 thập kỷ - đã không giúp bảo vệ được lợi nhuận trong một thế giới mà đang đối mặt với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá hàng hóa giảm mạnh và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.





Theo Katie Koch, một giám đốc điều hành tại Công ty quản lý tài sản của Goldman Sachs, ngay cả với mức giảm đó của năm nay, lợi nhuận của quỹ đầu tư vào nhóm Next 11 kể từ khi thành lập năm 2011 cũng vẫn tốt hơn chỉ số cổ phiếu của các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets Index, khi chỉ số này giảm 16% trong cùng giai đoạn.



Vị quan chức này cho biết tuy có thất vọng về hoạt động của quỹ đầu tư vào các nước Next 11, nhưng quỹ này đã hoạt động theo đúng xu hướng chung của các thị trường mới nổi xét trong cả 1 chu kỳ của thị trường.



Do tâm lý bi quan của giới đầu tư đang lan sang các thị trường đang phát triển có quy mô nhỏ hơn, dòng vốn ngoại cũng đang rút ra ngày càng nhiều.



Các quỹ ETF đầu tư vào các thị trường mới nổi đã rút vốn với giá trị 1,65 tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 4/9 – ghi nhận tuần thoái vốn thứ 10 liên tiếp.



Trong số các thị trường thuộc nhóm Next 11, các quỹ tập trung đầu tư vào Hàn Quốc và Mexico bị lỗ nhiều nhất. (Iran là một thành viên của nhóm này, nhưng quỹ của Goldman Sachs không đầu tư vào đây vì các lệnh cấm vận quốc tế.)



Theo ông Geoffrey Dennis, giám đốc chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu của hãng UBS Group AG, không có nhiều thị trường mới nổi, kể cả là thuộc nhóm BRIC hay Next 11, thoát khỏi thoát khỏi tâm lý bi quan đang chi phối thị trường do lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng này.



Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đã gây phương hại đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc và Bangladesh, và cũng làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa do Mexico, Indonesia và Nigerias sản xuất ra. Các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Philippin đã suy giảm mạnh do lo ngại các nhà quản lý quỹ quốc tế rút vốn để chuyển sang USD khi Fed tăng lãi suất.



Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria còn có vấn đề riêng của mình. Niềm tin của giới đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống thấp và đồng Lira chạm mốc thấp kỷ lục khi chính phủ không thành lập được một liên minh sau cuộc bầu cử ngày 7/6.



Tại Nigeria, Tổng thống Muhammadu Buhari vẫn chưa thành lập được nội các sau khi lên nắm quyền vào tháng 5, trong khi nỗ lực bảo vệ đồng Naira của ngân hàng trung ương nước này đang làm suy kiệt kho dự trữ ngoại hối.



Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng, và Việt Nam là một trong số những điểm sáng hiếm hoi đó. Chỉ số VN Index đã tăng 4,9% kể từ đầu năm nay nhờ xuất khẩu tăng và nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc đưa đất nước trở thành một trung tâm sản xuất tại Châu Á. Tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc từ mức 6,1% trong quý I lên 6,4% vào quý II.



Nếu xét xa hơn, cổ phiếu của các nước trong nhóm Next 11 cũng hoạt động khá tốt. Chỉ số MSCI của nhóm Next 11 không tính Iran tính đến hết tháng 8/2015 đã tăng 61% (tính cả cổ tức) so với cuối năm 2005, năm mà cựu chuyên gia kinh tế Jim O’Neill của Goldman Sachs đưa ra thuật ngữ Next 11.



Con số đó vượt mức tăng 46% của chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi nói chung, nhưng thấp hơn mức tăng 94% của chỉ số Standard & Poor’s 500.



Cho đến nay, ảnh hưởng của nhóm Next 11 đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn khiêm tốn. Tổng GDP của nhóm này đạt 6,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 8% GDP toàn cầu năm 2014, tăng so với mức 7% của 1 thập kỷ trước, trong khi nhóm BRIC hiện chiếm 21% GDP toàn cầu.



Trung Nghĩa - Theo Bloomberg










Theo stockbiz.vn