Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nắm trong tay số vốn điều lệ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng ở 7 ngân hàng bao gồm: OceanBank, VNCB, GP.Bank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Đây là con số rất lớn, tương đương 1/3 tổng số vốn điều lệ của các ngân hàng cộng lại.



Trên thị trường, hiện có 3 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và BIDV đang niêm yết, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã tăng khá tốt, nếu bán bớt vốn đang sở hữu, NHNN có thể thu về nguồn tiền lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng.



Theo quy định, NHNN chỉ cần nắm giữ khoảng 65% vốn của các NHTM CP nhà nước ngoại trừ VietinBank. Trong khi đó, NHNN đang giữ 100% vốn VNCB, OceanBank, GP.Bank; giữ 95,28% vốn BIDV và 71,11% vốn Vietcombank.



Siêu cổ đông có cần thoái vốn?



Chỉ cần bán vốn, đưa tỷ lệ sở hữu ở Vietcombank và BIDV về 65% thì NHNN có khoảng 38.000 tỷ đồng. Riêng BIDV, NHNN có xấp xỉ 30.000 tỷ vốn điều lệ khi là cổ đông chiếm 95,28% vốn của ngân hàng này (31.481 tỷ). Nếu NHNN giảm tỷ lệ sở hữu về mức tối thiểu theo quy định hiện hành, riêng tiền vốn theo mệnh giá thu về đã ở mức 9.532 tỷ đồng.



Thị giá cổ phiếu của BID đang ở mức khá cao, nếu đấu giá, hoặc tìm được đối tác chiến lược để bán sẽ đem về khoản tiền hàng chục nghìn tỷ đồng nữa. Ở Vietcombank, NHNN hiện đang sở hữu 77,11% vốn điều lệ, nếu giảm tỷ lệ sở hữu về 65% theo mệnh giá, và bán theo thị giá thì NHNN có tới hơn 18.000 tỷ đồng.



Trong trường hợp NHNN đồng thời bán vốn ở 3 ngân hàng 0 đồng và giảm sở hữu ở Vietcombank, BIDV về mức tối thiểu theo quy định, riêng tính theo giá vốn cũng đã có gần 23.000 tỷ đồng và tới 48.000 tỷ nếu theo thị giá hiện tại. Đồng thời bán 3 ngân hàng 0 đồng và đưa tỷ lệ sở hữu ở Vietinbank, BIDV, Vietcombank về 51% có thể được 87.000 tỷ đồng.



Do tính chất đặc thù của ngành ngân hàng, việc thoái vốn cũng nên có một lộ trình nhất định, có thể ban đầu về 65% rồi sau đó mới đến 51%. Một ngân hàng lớn nữa là Agribank có thể sẽ cổ phần hóa trong những năm tới, nếu NHNN thoái vốn ở một tỷ lệ nào đi chăng nữa thì sẽ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng mà vẫn nắm quyền chi phối.



Với tất cả tài sản trên cộng lại, NHNN xứng đáng được ví là “siêu cổ đông” nắm quyền phủ quyết của rất nhiều ngân hàng. Đặc biệt, cổ đông lớn này đã tái cơ cấu thành công các ngân hàng yếu kém, tạo lòng tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng.



Từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ đến quá trình thanh lọc, làm lành mạnh hóa đã tạo nên cuộc “lột xác” toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.



NHNN còn đang nhận ủy quyền tỷ lệ cổ phần khá lớn trong các ngân hàng Eximbank và Sacombank. Hiện Sacombank đang có vốn điều lệ hơn 18.000 tỷ đồng (sau khi nhận sáp nhập SouthernBank) và Eximbank có vốn 12.355 tỷ. Sau khi nhận ủy quyền không hủy ngang của các cổ đông liên quan tới ông Trầm Bê thì NHNN có 51% vốn của ngân hàng Sacombank và khoảng 10% vốn ở Eximbank.



Như vậy, tính toán sơ bộ, phần vốn NHNN có thể đại diện ở Sacombank và Eximbank cũng lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Cộng với phần vốn sở hữu ở 7 ngân hàng nói trên, NHNN đang có tổng vốn ở các ngân hàng lên tới hơn 123 nghìn tỷ đồng.



Thu lợi từ ngân hàng 0 đồng?



Ngoài ra, sau khi xử lý, tái cấu trúc xong 3 ngân hàng mua lại 0 đồng, NHNN có thể bán lại cho nhà đầu tư với giá hơn 11.000 tỷ đồng. Oceanbank, VNCB và GPBank đều được NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng do cổ đông của các ngân hàng này đã không thể đồng thuận góp vốn để đưa vốn của ngân hàng về ngang mức vốn pháp định theo yêu cầu (3.000 tỷ đồng).



Theo Ts. Cấn Văn Lực, NHNN đã ứng 11.000 tỷ đồng cho 3 ngân hàng 0 đồng dùng để chi trả khách hàng và phục vụ mở rộng kinh doanh, đồng thời sẽ thay đổi bộ máy quản trị điều hành với kỳ vọng các ngân hàng này sẽ tốt hơn.



Ở 3 ngân hàng 0 đồng, NHNN hiện đang sở hữu 100%, trong đó OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; GP.Bank có vốn 3.018 tỷ đồng và VNCB (nay là CBBank) vốn 3.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi cải thiện tình hình của 3 ngân hàng trên, đưa các ngân hàng này về trạng thái ổn định, NHNN có thể thoái hết vốn và thu_về trên 11.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá.



Việc mua lại ngân hàng thương mại giá 0 đồng đã được dư luận quan tâm. NHNN từng giải thích vốn cổ phần của các ngân hàng nói trên đã mất hết giá trị (bị âm lớn), nên chỉ mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Khi đó, quyền lợi của cổ đông tại ngân hàng đó cần phải chấm dứt, song các nghĩa vụ, trách nhiệm, nhất là trong quan hệ vay mượn với ngân hàng vẫn phải tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật.



Có rất nhiều ý kiến cho rằng NHNN phải gánh toàn bộ các khoản nợ trên, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước. Việc NHNN mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém là giải pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn.



Cũng theo Thống đốc Bình, hiện vốn điều lệ của các ngân hàng được mua lại không còn do thua lỗ, nhưng với các giải pháp mạnh mẽ về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh mới nhờ NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng được mua lại, thì vốn điều lệ của ngân hàng sẽ từng bước được khôi phục.



Lê Thuận










Theo stockbiz.vn