Việc Quốc hội ngày 11-11 cho phép phát hành 60.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn đa dạng nhằm để huy động vốn thuận lợi hơn





Trước đó, năm 2014, Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội quy định: Từ năm 2015 chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn từ 5 năm trở lên nhằm bảo đảm tái cơ cấu nợ công an toàn. Cụ thể, năm 2015, Bộ Tài chính dự kiến phát hành 250.000 tỉ đồng TPCP gồm 180.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 50.000 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm và 20.000 tỉ đồng kỳ hạn 15 năm.



Chưa hấp dẫn



Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, việc phát hành TPCP thu hút không nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, khối lượng phát hành chỉ đạt 127.473 tỉ đồng, bằng 51% kế hoạch.



Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho thấy lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm đã tăng lên 6,65%/năm, kỳ hạn 10 năm lên 7%/năm, kỳ hạn 15 năm giữ nguyên ở mức 7,65%/năm. Tuy lãi suất có tăng nhưng UBGSTCQG dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch. Số tiền huy động được không đủ để thanh toán gốc và lãi TPCP đến hạn bởi khối lượng thanh toán gốc và lãi trong 9 tháng đầu năm là 160.684 tỉ đồng.



Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng thị trường vốn chưa phát triển, nguồn tiết kiệm dài hạn để đầu tư còn hạn chế, phần lớn nhà đầu tư chỉ muốn mua trái phiếu kỳ hạn ngắn; kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định nên TPCP chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài.



Tổng giám đốc một ngân hàng (NH) tại TP HCM phân tích: Với lãi suất từ 6%-7%/năm, TPCP vẫn không hấp dẫn. Bởi lẽ, nguồn vốn của các NH chủ yếu là ngắn hạn, nếu mua TPCP kỳ hạn 5 năm, tức là NH đã cho Chính phủ vay tiền dài hạn, ảnh hưởng đến quy định về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, tác động không tốt đến khả năng thanh khoản. Trong khi đó, NH có thể cho cá nhân, doanh nghiệp vay tiền dài hạn với lãi suất 9%-10%/năm.



Nhắm đến các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí…



Trước thực tế trên, Quốc hội đồng ý linh hoạt đa dạng hóa kỳ hạn TPCP phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó chỉ phát hành trái phiếu có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỉ lệ không quá 30% tổng khối lượng phát hành, 70% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.



Giải thích việc phát hành TPCP năm sau luôn nhiều hơn năm trước, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho rằng do bội chi ngân sách bình quân trong năm qua là 5,4% GDP mà GDP năm nào cũng tăng nên số tiền Chính phủ vay thông qua TPCP cũng tăng lên. Do đó, kỳ hạn TPCP phải đa dạng để huy động vốn thuận lợi hơn, giúp Chính phủ cân đối dòng tiền trả nợ qua nhiều năm, không để các khoản nợ phải trả dồn trong 1 hoặc 2 năm.



Để phát hành TPCP kỳ hạn 3 đến dưới 5 năm thành công, ông Thuận đề xuất Chính phủ nhắm đến các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, thậm chí cả người dân để đưa ra lãi suất hợp lý, hấp dẫn nhà đầu tư… Trường hợp kinh tế vĩ mô thật sự ổn định, niềm tin của thị trường tăng lên thì nhiều khả năng việc phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên sẽ thu hút được nhiều người mua.



Theo chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu, muốn phát hành TPCP dài hay ngắn hạn, Chính phủ cần tính toán kỹ các vấn đề liên quan đến nợ công. Nhiều quốc gia trên thế giới có tỉ lệ nợ công đến 100% GDP nhưng do có nguồn thu ổn định nên khả năng trả nợ rất tốt. Trong khi đó, ngân sách của Việt Nam lại thiếu hụt, các nguồn thu sụt giảm… Với nguồn trả nợ không ổn định song Chính phủ vẫn phải chi cho đầu tư phát triển và cứ phát hành thêm trái phiếu để trả nợ cũ thì nợ công ngày càng tăng.



Thy Thơ










Theo stockbiz.vn