Bộ Tài chính vừa quyết định thành một lực lượng chuyên trách về chống chuyển giá. Với động thái này, liệu những bất cập, lỗ hổng tồn tại trong vấn nạn chuyển giá tại các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được lấp trống?



Theo quyết định của Bộ Tài chính, lực lượng chống chuyển giá 'chuyên nghiệp' thuộc về Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục Thuế.



Nhiệm vụ của lực lượng này là lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng, xây dựng quy trình thanh tra, thu thập xử lý thông tin từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết từ cơ quan thuế và bên thứ ba.



Nhiệm vụ khả thi?



Lực lượng chuyên trách sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục Thuế và 4 địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng là Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.



Động thái của Bộ Tài chính được dư luận đánh giá tuy muộn màng, lẽ ra việc này phải có sớm từ vài năm trước, nhưng thà muộn còn không, nhất là khi hành vi chuyển giá, gian lận thuế trong khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn diễn biến phức tạp.



Việc chống chuyển giá trong khối FDI thực tế không phải chuyện một sớm một chiều.



Ngay như Thanh tra Chính phủ cũng từng phải thừa nhận sự phối hợp lỏng lẻo giữa thuế và hải quan cùng những bất cập, lỗ hổng tồn tại trong các quy định hiện hành khiến việc kiểm soát chuyển giá trở thành nhiệm vụ bất khả thi.



Trong chuyển giá, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ được cho là vẫn phổ biến, chiếm gần một nửa số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước.



Theo Bộ Tài chính, hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong đó có tới 4.098 doanh nghiệp có giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng. Chính hành vi gian lận thuế đã làm giảm số thu thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng tới doanh nghiệp trong nước.



Trong 3 năm qua, kết quả chống chuyển giá của Bộ Tài chính cho thấy tính bình quân đã có 29 vụ kết thúc, giảm lỗ 300 tỷ đồng/vụ và truy thu 20 tỷ đồng tiền thuế/vụ.



Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thật khó mà buộc tội trốn thuế đối với khối ngoại dù có phát hiện nghi vấn chuyển giá và truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Họ không trốn thuế công khai mà luồn lách những sơ hở trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, quy định pháp luật thuế của Việt Nam.



Các chuyên gia về tài chính đã chỉ ra rằng chính những lỏng lẻo trong việc xác định căn cứ tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo điều kiện cho khối ngoại lợi dụng chuyển giá.



Trong khi đó, những rào cản về việc xác minh tại nước ngoài đối với dữ liệu, thông tin về dấu hiệu chuyển giá của khối FDI cũng làm cho công tác kiểm soát chuyển giá của Bộ Tài chính trở nên khó khăn.



Ngoài ra, việc hướng dẫn chính sách thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đến giờ vẫn còn bất cập đã tạo điều kiện cho khối ngoại lách luật.



Cần kiểm soát tổng lực



Theo chuyên gia phân tích kinh tế Ngô Quang Trung, để chống chuyển giá hiệu quả thì đòi hỏi cần bổ sung Luật Quản lý thuế, việc cho phép áp dụng phương pháp xác định giá trước, nghĩa là doanh nghiệp nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định.



Cơ chế thỏa thuận này đang được khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng và được đánh giá là có hiệu quả (gọi là phương thức APA – Advance Pricing Agreement).



Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cần phải xem lại ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, xem xét kỹ lưỡng việc khai báo giá trị các tài sản (thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) đưa vào Việt Nam. Rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai vống giá cao gấp chục lần để có thể hạch toán lỗ thì lỗi là do sự buông lỏng quản lý của chính các cơ quan hữu quan.



Chuyên gia Ngô Quang Trung cho rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế.



Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng.



Có thể thấy, những bất cập chống chuyển giá của chính sách và cơ quan quản lý thuế là chuyện đã có. Cho nên lực lượng chống chuyển giá chuyên trách của Bộ Tài chính phải nhận thức rõ những hạn chế này để có biện pháp phù hợp. Vấn đề chính là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành thuế, hải quan và lực lượng chuyên trách và cơ quan quản lý liên quan.



Trong câu chuyện chống chuyển giá, nếu chỉ chăm chăm trông cậy vào lực lượng chống chuyển giá chuyên trách thôi thì vẫn chưa đủ mà phải cần một chương trình tổng lực kiểm soát hiệu quả.



Thế Vinh










Theo stockbiz.vn