Việt Nam đang chứng kiến tình trạng bội chi ngân sách cực kì nghiêm trọng. Ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên, chi trả nợ, còn chi cho đầu tư phát triển lại hạn hẹp. Điều này vi phạm 'nguyên tắc vàng' trong đầu tư phát triển.



Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2015 ước đạt 709.8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán năm.



Trong số đó, thu nội địa đạt 522.5 nghìn tỷ đồng, bằng 81,8%; thu từ dầu thô đạt 53.8 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 129.9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,2%.



Chi luôn vượt thu



Tuy nhiên, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 10/2015 ước đạt 867.7 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán năm. Con số này gồm 134.3 nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, bằng 68,9% dự toán năm; 605.1 nghìn tỷ đồng chi cho phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính, bằng 78,9% dự toán; và_120.8 nghìn tỷ đồng chi cho trả nợ và viện trợ, bằng 80,6% dự toán. Cán cân ngân sách đến giữa tháng 10 thâm hụt 157.9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,9% dự toán năm.



Trước vấn đề bội chi ngân sách hiện nay, Ts. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM), đã nêu câu hỏi: 'Với tình hình tài chính như hiện nay, hiện tại có bao nhiêu phần trăm ngân sách được dành cho đầu tư phát triển?'



Trước băn khoăn của Ts. Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định rằng: 'Mấy năm nay, chúng ta đều chứng kiến tình cảnh bội chi ngân sách lớn. Chi thường xuyên chiếm hơn 71%, chi trả nợ chiếm 26%, còn lấy đâu để đầu tư công.



Trước đây, còn phát hành trái phiếu để tăng nguồn thu nhưng hiện nay việc này cũng gặp khó khăn'.



Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, ngân sách không còn tiền để đầu tư là một điều rất nguy hiểm. Bội chi ngân sách, nợ công chưa có xu hướng giảm, mà còn tiếp tục tăng lên.



Về số nợ công, Bộ Tài chính đưa ra con số là 61,3%, trong khi WB cho rằng nợ công của Việt Nam đã lên đến 64%. Tuy có sự chênh lệch về con số song có một thực tế phải thừa nhận là mức độ nợ công của Việt Nam đang tăng cao và gần chạm giới hạn.



'Nợ công tuy ở mức cao nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn. Trong báo cáo kế hoạch cho 5 năm tới, chúng tôi luôn xây dựng và chấp hành nguyên tắc nợ công không vượt quá 65%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, ngưỡng an toàn này chỉ được đảm bảo khi quốc gia đó tăng trưởng 3% trở lên và bội chi dưới 5%', Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn trấn an.



Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thực tế ngân sách Nhà nước hiện nay có 255.750 tỷ đồng.Trong đó, cân đối cho ngân sách địa phương là 131.500 (chiếm hơn 52%), ngân sách trung ương là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì con số còn lại khoảng 45.000 tỷ đồng.



2016: Nguồn thu vẫn đủ?



Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều 26/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, con số thực tế để vốn ngân sách Trung ương có thể điều tiết năm 2016 là khoảng 95.000 tỷ đồng. Trong đó, 45.000 tỷ đồng vốn ngân sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu là chưa tính thêm 50.000 tỷ đồng vốn ODA.



Về giải pháp thực hiện nhiệm vụ ngân sách 2016, Thứ trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết, về tổng thể, thu ngân sách vẫn vượt 17.400 tỷ đồng, nhưng ở Trung ương lại hụt khoảng 31.000 tỷ đồng, chủ yếu do giá dầu. Trong khi đó, sản xuất trong nước lại tăng trưởng (một phần do chi phí nhiên liệu thấp) giúp ngân sách địa phương tăng thu 47.700 tỷ đồng, nhờ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT.



Ngân sách địa phương tăng thu do năm nay kinh tế tăng trưởng khá, dự kiến đạt mức 6,5%, cao hơn so với con số 6% của năm ngoái. Tuy nhiên, ngân sách trung ương giảm thu do giá dầu thô giảm mạnh, chỉ còn khoảng 54 USD/thùng, bằng một nửa so với dự toán 100 USD/thùng.



'Ngân sách trung ương hụt thu 31 nghìn tỷ đồng, do đó, vừa rồi khi Chính phủ trình Quốc hội đã kiến nghị dùng 10 nghìn tỷ đồng trong phần đã thu về từ thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước để bù. Nhưng đồng thời vẫn chỉ đạo làm sao đảm bảo cân đối ngân sách để sử dụng càng ít trong số 10 nghìn tỷ đồng này càng tốt', Thứ trưởng Tuấn nói.



Theo Thứ trưởng Tuấn: 'có đủ căn cứ và cơ sở thực tiễn để đảm bảo cân đối ngân sách để thực hiện chỉ đạo trên. Hiện, nợ đọng doanh nghiệp lên tới 36 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ cần phấn đấu thu 50% đã có 17 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Bên cạnh đó, còn có thêm khoản 8 nghìn tỷ đồng có thể thu từ thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế'.



Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, Chính phủ đã chính thức xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ, thông tin này đã khiến nhiều cử tri lo ngại về gánh nặng nợ nần trong tương lai.



Cụ thể, chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.



Theo Chính phủ, giai đoạn 2015-2016, nguồn vay để bù đắp bội chi còn hạn chế, chỉ tập trung vào vay ở thị trường trong nước. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu Chính phủ đến hạn trong giai đoạn này lên tới 363.166 tỷ đồng cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu. Các nguồn tài chính trong nước khác đã được huy động tối đa nên không thể huy động để tái cơ cấu danh mục nợ này.



Tuy nhiên, đến 2017, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi mới cho phép phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài để cơ cấu lại nợ, bù đắp bội chi còn Luật Quản lý nợ công (điều 28) không cho phép phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ để đảo nợ vay bằng nội tệ. Đây chính là bất cập khi Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ ra nước ngoài để đảo nợ vay trong nước.



Cùng với đó, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban kinh tế vĩ mô (CIEM), cũng nhận định, tăng thu sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, liên quan đến thuế và phí. Còn, bản thân việc phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài khó phát hành, kỳ hạn ngắn thì áp lực đảo nợ lớn.

Lê Thúy










Theo stockbiz.vn