Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng việc miễn, giảm thuế không phù hợp với luật cũng như thông lệ quốc tế, trong khi các ngân hàng lập luận yêu cầu đưa ra đều dựa trên Quyết định của Chính phủ.



Quan điểm được cơ quan quản lý đưa ra sau một loạt đề xuất về miễn, giảm thuế từ các ngân hàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống, mua lại, nhận sáp nhập một số tổ chức tín dụng khác.



Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định sẽ không có chuyện ưu đãi thuế cho các trường hợp nêu trên. Theo ông, không có lý do gì để miễn thuế cho các đối tượng này bởi luật pháp Việt Nam hiện hành lẫn thông lệ quốc tế đều không cho phép. 'Mua bán, sáp nhập là nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng. Có chăng với trường hợp, ngân hàng bán tài sản đảm bảo là nợ xấu nhưng âm hoặc hòa vốn thì sẽ không thu thuế với hoạt động này', ông Tuấn nói.



rước đó, tại cuộc họp cổ đông xin sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel (VVF), Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã nhắc tới một loạt những đề xuất nhằm được miễn, giảm thuế thu nhập trong 5 năm sau khi đón nhận đơn vị có nhiều vấn đề về sức khỏe tài chính này. Không chỉ vậy, nhà băng này còn đặt lại vấn đề được giảm toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp của SHB trong năm 2013-2015, 3 năm sau khi đứng ra cáng đáng ngân hàng Habubank trên bờ vực phá sản.



Tương tự, câu chuyện xin ưu đãi thuế cũng được Ngân hàng Quân đội (MB) nhắc tới trong cuộc họp xin ý kiến cổ đông để nhận sáp nhập Công ty tài chính Sông Đà (SDFC) vừa qua. Ngoài việc muốn miễn, giảm thuế 5 năm đầu cho công ty tài chính sau sáp nhập, MB còn muốn ngân hàng mẹ được giảm 20% thuế thu nhập trong 3 năm đầu. Ước tính, nếu được chấp nhận, hai ngân hàng này có thể tiết kiệm được gần 2.000 tỷ đồng tiền thuế phải nộp.



Trước đó, hầu hết các ngân hàng tham gia vào cuộc tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức tín dụng qua hình thức mua bán, hợp nhất, sáp nhập cũng đều nêu một loạt những ưu đãi về thuế (chủ yếu là miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) trong đề án của mình. Như Công ty tài chính PVFC, khi hợp nhất với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) để tạo thành PVcomBank như hiện nay cũng yêu cầu miễn thuế thu nhập trong 3 năm sau khi hợp nhất và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo để giúp ngân hàng hợp nhất tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu.



Giải thích cho các đòi hỏi này, các ngân hàng lập luận rằng mình đủ cơ sở cho việc ưu đãi thuế khi dẫn lại Quyết định 254 phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng của Thủ tướng. Cụ thể, khoản 2 Điều 2 của Quyết định có nêu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng được cơ cấu lại; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.



Chủ tịch Hội đồng quản trị của một trong các ngân hàng trên cho biết các đề xuất nêu trong Đề án này hầu hết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, nội dung miễn, giảm thuế sẽ do cơ quan thuế, Chính phủ và Quốc hội quyết định.



Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ vừa trình đề xuất xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp Nhà nước nhằm thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Ban đầu, cơ quan soạn thảo tham mưu cho Chính phủ là Bộ Tài chính đề xuất đưa vào sửa đổi thành Luật nhưng sau khi lấy ý kiến đã quyết định chỉ đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Đại diện Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính cho biết ước tính khoảng 1.300 tỷ đồng sẽ được xóa nợ thuế theo diện này.



Thanh Thanh Lan










Theo stockbiz.vn