Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Hữu Nghĩa, khẳng định việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và nợ xấu thời gian qua đã giúp khôi phục lại trật tự kỷ cương trên thị trường tiền tệ.



Tại hội thảo về ‘Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu’ tổ chức tuần qua, ông Nghĩa đã nêu ra một số điểm nhấn quan trọng mà NHNN đã đạt được trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 4 năm qua.



Thứ nhất, đạt được mục tiêu tái cơ cấu đề ra dưới góc độ mua, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện căn bản. Nếu như cuối năm 2011 nguy cơ đổ vỡ, khủng hoảng hệ thống rất rõ rệt, thì đến nay có thể nói nguy cơ này đảy lùi, những ngân hàng yếu kém đã được kiểm sát một cách chặt chẽ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) nhỏ, tổ chức tín dụng yếu kém đã giảm đáng kể. Các ngân hàng, TCTD yếu đã được sáp nhập, hợp nhất hoặc rút giấy phép.



Ông Nghĩa đánh giá đây là điểm hết sức quan trọng, tạo nền tảng cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác.



Việc giảm lãi suất là 1 ví dụ. Cuối năm 2011, lãi suất cho vay vào khoảng 17-20%, thậm chí hơn 20%/năm. Nhưng bây giờ lãi suất chỉ còn 7-11%, giảm khoảng 40% so với lãi suất năm 2011 và còn có thể thấp hơn mặt bằng lãi suất khi chúng ta lâm vào tình trạng khó khăn của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.



Lãi suất giảm khiến dòng tín dụng cho nền kinh tế cũng phục hồi rõ nét, sau khi tăng tưởng tín dụng trong những năm đầu của tái cơ cấu cực kỳ khó khăn. Có thể thấy. tín dụng năm 2012 chỉ tăng khoảng 8%, sau đó tăng 10%, rồi 12% vào năm 2014, và năm nay ước tăng khoảng 16-17%.



Đây là điều kiện cực kỳ quan trọng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế, ông Nghĩa đánh giá.



Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới, đó là kết quả của tái cơ cấu thời gian qua đã đưa đến 1 trật tự kỷ cương trên thị trường tiền tệ. Ông Nghĩa cho biết, trước đây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh rất phổ biến, nhất là cạnh tranh về lãi suất. Hiện nay, nhờ sự ổn định, an toàn của từng TCTD, nên cạnh tranh đã trở nên lành mạnh hơn và những hành vi vi phạm pháp luật đã giảm đi rất nhiều.



Một điểm quan trọng nữa, trong nội dung của tái cơ cấu các TCTD có 3 nội dung then chốt là tái cơ cấu về quản trị, tái cơ cấu về hoạt động, và tái cơ cấu về tài chính. Riêng tái cơ cấu về tài chính, nòng cốt là xử lý nợ xấu. Ông Nghĩa cho biết mặc dù trong tình trạng hết sức vướng mắc về pháp lý, về nguồn lực, về điều kiện thị trường để xử lý nợ xấu, về năng lực của các TCTD phải xử lý rủi ro do nợ xấu gây nên, nhưng chúng ta đã rất là thành công.



Ông nêu ra những con số để minh chứng cho điều này. Từ năm 2012, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu, đến cuối tháng 9/2015, NHNN đã xử được khoảng trên 98% số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012. Như vậy, NHNN đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm tháng 9/2012 tương đối sát.



“Lúc đó chúng tôi xác định tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 465.000 tỷ đồng, đến giờ phút này, vào cuối tháng 9, chúng ta xử lý được khoảng 458.000 tỷ đồng, rất sát con số đề ra,” ông nói.



Ông cho biết thêm, trong đề án xử lý nợ xấu, chúng ta cũng nói rõ mục đích là về cơ bản xử lý được con số nợ xấu ở thời điểm đó (tháng 9/2012). Như vậy, về mặt mục tiêu, “chúng ta đã đạt được”.



Ông cho biết hoàn cảnh thực hiện tái cơ cấu lúc đó rất khó khăn, nên không dám đặt ra 1 lộ trình chắc chắn cho đề án xử lý nợ xấu là đến 2015 hay 2020 phải đạt được con số 3% - một con số theo nhận thức chung là có thể an toàn. Nhưng hành động trên thực tế, tất cả các lãnh đạo cao nhất của ngành ngân hàng cũng như các TCTD là phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% trước thời điểm 31/12/2015, thậm chí trước 30/9/2015. Kết quả là đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã xuống 2,93%.



“Có thể nói đây là điều kiện rất quan trọng để khai thông lại dòng vốn cho nền kinh tế và thanh khoản hệ thống ngân hàng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Nghĩa tổng kết.



Mua ngân hàng 0 đồng không phải là hành vi vi hiến.



Cũng trong cuộc hội thảo, ông Nghĩa khẳng định việc NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng không phải là quốc hữu hóa, và cũng không phải là hành vi vi hiến.



“Phải khẳng định, đây không phải là mua ngân hàng 0 đồng, mà là mua cổ phiếu của ngân hàng,” ông nói, cho biết thêm rằng đây là những ngân hàng không còn vốn.



Về chủ chương không cho phép phá sản các TCTD. Với điều kiện ràng buộc này, nhà nước và NHNN đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để những TCTD yếu kém được tái cơ cấu trên cơ sở nguồn lực tài chính và huy động các nguồn lực khác của thị trường để khắc phục những tồn tại của mình. Những tổ chức yếu kém không tự tái cơ cấu được, phá sản không được, thì con đường duy nhất là nhà nước phải tiếp quản, mua lại.



Ông Nghĩa cho biết một trong những nhiệm vụ của NHNN là đảm bảo sự an toàn của các TCTD, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nên hành động của NHNN không nằm ngoài mục tiêu đó. Việc mua lại hoàn toàn trên cơ sở định giá độc lập khách quan, theo đúng giá trị thực của các ngân hàng.



Đây không phải là quốc hữu hóa, nên cũng không vi hiến. Ông Nghĩa giải thích rằng quốc hữu hóa là chuyển giao 1 tài sản của tư nhân sang nhà nước và nhà nước có thể không bồi hoàn tiền hoặc tài sản tương ứng cho chủ sở hữu tư nhân. Nhưng trong trường hợp này, đây là quan hệ mua bán giữa nhà nước và cổ động dựa trên cơ sở cổ phiếu được định giá độc lập.



Đối với 3 ngân hàng mà NHNN mua giá 0 đồng, đây là trường hợp giá cổ phiếu không còn giá trị.



“Mua 0 đồng không ngoài mục tiêu nào khác là để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền.”ông nói.



Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh rằng NHNN mua lại các ngân hàng yếu là “vì sự an toàn của hệ thống, không phải là gia tăng sự chi phối trên thị trường tiền tệ của các doanh nghiệp nhà nước”.



Đề cập thêm về vấn đề nợ xấu, ông cho biết nợ xấu của ngân hàng là tài sản sinh lời của doanh nghiệp, nên chúng ta không thể xử lý bằng mọi giá, vì nếu bán tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp rẻ mạt, thì chính các doanh nghiệp sẽ chịu hậu quả rất lớn.



Trong trường hợp bán tài sản để trả 1 phần nợ ngân hàng, ông cho rằng “con đường VAMC là sự lựa chọn tối ưu trong bố cảnh không sử dụng tiền của ngân sách để xử lý nợ xấu trong điều kiện của Việt Nam”.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn