Tập đoàn đầu tư CIMB (Malaysia) cho rằng rủi ro lớn duy nhất đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam là tỷ lệ nợ của chính phủ đang tăng nhanh.



Hãng tin CNBC vừa có bài viết đánh giá về nỗ lực cổ phần hóa của Việt Nam, cho rằng quyết định thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp lớn mới đây sẽ cộng hưởng với tác động tích cực từ việc nới room để tạo sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.



Tuần trước, Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 10 công ty, trong đó có Vinamilk – doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất hiện nay.



Qua khảo sát ý kiến, CNBC cho biết các nhà phân tích dự đoán việc thoái vốn này sẽ diễn ra vào năm 2016, với số tiền thu về khoảng hơn 3 tỷ USD.



Vinamilk từ lâu đã kín room (49%) giành cho nhà đầu tư nước ngoài, và chính phủ hiện đang sở hữu 45% cổ phần tại doanh nghiệp này.



Theo ông Kevin Snowball, CEO của PXP Vietnam Asset Management, “Vinamilk là cổ phiếu ai cũng muốn sở hữu ở Việt Nam'.



Sau nhiều năm nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này được coi là nỗ lực mới nhất của Việt Nam nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán.



Theo CNBC, bước đi này được cho là sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư sau khi những nỗ lực thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước trước đó không đạt kết quả mong muốn.



Một ví dụ cho nỗ lực cổ phần hóa kém hiệu quả là vụ IPO của hãng hàng không Vietnam Airlines. Vào tháng 11/2014, Vietnam Airlines chỉ huy động được khoảng 51,3 triệu USD trong một vụ IPO đã được lên kế hoạch từ năm 2008. Vụ IPO này đã không thu hút được nhiều quan tâm.



Không chỉ Vietnam Airlines chỉ chào bán khoảng 3,5% cổ phần của công ty, mà lượng cổ phần bán ra chủ yếu chỉ được 2 ngân hàng trong nước mua và không có nhà đầu tư tổ chức đầu tư nước ngoài nào tham gia. Cổ phiếu của Vietnam Airlines được dự kiến ​​sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán vào cuối năm nay.



Ông Snowball cho rằng việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trước đây thiếu mức độ minh bạch cũng như sự định giá doanh nghiệp cần thiết mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm, trong khi Chính phủ lại muốn kiếm được mức giá hời cho những doanh nghiệp không ai biết gì.



“Đó là lý do Chính phủ đang chuyển sang bán cổ phần tại các công ty đã niêm yết để lấy vốn tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách của mình,” CNBC dẫn lời ông Snowball nói.



Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực thoái vốn của SCIC, cộng với kế hoạch nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng, có thể sẽ tạo sự hấp dẫn cho thị trường Việt Nam.



Trong một đánh giá đưa ra tuần trước, các nhà phân tích tại Credit Suisse viết: 'Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp cận thị trường. Việc SCIC thoái vốn khỏi các công ty niêm yết sẽ làm tăng lượng cổ phiếu có thể giao dịch và thúc đẩy hoạt động của thị trường. Điều này, nếu kết hợp với việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, có thể làm tăng đáng kể sự tham gia của nước ngoài.'



Lý do lớn mà Chính phủ muốn thành công trong việc thoái vốn lần này, theo CNBC, đó là nhu cầu vốn.



Hãng tin này trích dẫn nhận định của chuyên gia phân tích Michael Kokalari của CIMB, đánh giá rằng Việt Nam đang gặp vấn đề về nợ công.



'Rủi ro lớn duy nhất đối với nền kinh tế/thị trường cổ phiếu của Việt Nam là tỷ lệ nợ của chính phủ/GDP tăng do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức 5-6% GDP trong những năm gần đây,' ông Kokalari đánh giá.



Vấn đề nợ công của Việt Nam có thể trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới khi đồng VND đã mất giá khoảng 5% so với đồng USD trong năm nay, khiến việc trả nợ bằng đồng bạc xanh trở nên tốn kém hơn.



Trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 trình trước Quốc hội trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu ra một trong những hạn chế, yếu kém của Việt Nam hiện nay là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do “cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.”



Báo cáo cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP vào năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm (2015) đã lên tới khoảng 61,3%, vẫn nằm trong kế hoạch là dưới 65%; Dư nợ của Chính phủ trong GDP đến năm cuối năm này đạt khoảng 49%, suýt soát mức kế hoạch là dưới 50%; Dư nợ nước ngoài của quốc gia trong GDP năm này vào khoảng 41,5% (kế hoạch dưới 50%).



Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý và cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần bội chi, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.



Trong đánh giá của mình, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) cũng cho rằng thâm hụt ngân sách có thể sẽ là vấn đề thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong những năm tới, bên cạnh việc ổn định đồng VND.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn