Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa bất ngờ hạ dự báo về cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam cho năm nay và năm tới, thậm chí cảnh báo cán cân năm 2016 sẽ chuyển sang tình trạng thâm hụt.



Nâng mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam



Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật công bố ngày 6/10, IMF đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cho năm 2015 và năm 2016.



Theo đó, IMF nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc lên mức 6,6% trong năm nay và 6,4% vào năm 2016, sau khi đạt mức 6% năm 2014.



Những con số mới nhất này cao hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4/2015, trong đó tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 6% năm nay và 5,8% năm tới.



Theo IMF, trong khi kinh tế thế giới nói chung và các thị trường đang phát triển khác tăng chậm lại, Việt Nam lại tiếp tục tăng trưởng mạnh lên, một phần nhờ giá dầu giảm và nhu cầu nội địa tăng.



Trước đó, WB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6% lên 6,3% cho năm 2015 và từ 6,2% lên 6,3% cho năm 2016.



Con số dự báo cho năm 2016 của 2 tổ chức trên cũng có những trái chiều khi IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, còn WB dự báo tăng trưởng mạnh lên.



Dự báo về lạm phát không thay đổi nhiều so với báo cáo trước đó. Trong báo cáo mới nhất của mình, IMF cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ đứng ở mức 2,2% năm nay và 3% năm tới, thấp hơn đôi chút so với mức lần lượt là 2,5% và 3,2% trong dự báo hồi tháng 4.







Cán cân tài khoản vãng lai sẽ chuyển sang thâm hụt năm 2016



Trong khi nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế, IMF lại hạ dự báo về cán cân thanh toán của Việt Nam cho cả năm nay và năm tới.



Tổ chức này dự báo cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm mạnh, từ mức thặng dư 4,9% GDP năm 2014 xuống chỉ còn 0,7% năm 2015 và thậm chí chuyển sang thâm hụt 0,9% năm 2016.



Trong báo cáo lần trước, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam được dự báo ở mức cao là 4,8% năm nay và 4,9% năm tới.



Tuy không đưa ra đánh giá chi tiết, nhưng theo một số tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế mạnh lên có thể sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng để hỗ trợ đầu tư và sản xuất, theo đó sẽ khiến cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt nhẹ trong trung hạn.



Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng ANZ cho rằng tình trạng tài khoản vãng lai thâm hụt nhẹ không đáng ngại với Việt Nam, vì cán cân sẽ sớm trở lại thặng dư.



Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu



Theo IMF, sự giảm tốc của các thị trường mới nổi sẽ kéo tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính.



Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến giá hàng hóa giảm mạnh, theo đó tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển.



Trong báo cáo mới nhất này, IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đây dự kiến sẽ là năm thứ năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế của khu vực này giảm tốc.



Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khiêm tốn tại Mỹ và sức phục hồi yếu của Châu Âu không thể bù đắp được việc sản lượng của các nước mới nổi giảm.



IMF theo đó cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu xuống mức 3,1% cho năm nay, thấp hơn so với mức 3,3% trong dự báo trước đó và cả mức 3,4% đạt được năm 2014. Đối với năm 2016, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 3,6%.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn