Chỉ trong 3 ngày, sau khi Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có hiệu lực, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã 'bốc hơi' từ 60-70 đồng. Đây được cho là lần giảm giá mạnh nhất trong vòng hơn một tháng trở lại đây.



Hiện tại, giá mua vào thấp nhất trên thị trường hiện đang là 22.370 đồng/USD và giá bán ra cao nhất hiện là 22.460 đồng/USD.



Cụ thể, sau khi giảm mạnh 30 đồng vào cuối chiều qua, sáng nay (7/10) Vietcombank vẫn tiếp tục giảm thêm 15 đồng/USD, hiện ngân hàng này đang giao dịch ở mức 22.395-22.455 đồng/USD.



Tương tự, VietinBank đang mua bán USD với giá 22.395-22.455 đồng, giảm 25 đồng/USD; BIDV giảm mạnh nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước là 35 đồng/USD, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 22.395-22.455 đồng/USD so với chốt phiên trước.



Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm mạnh từ 35-50 đồng. DongABank giảm 30 đồng chiều mua vào đồng thời giảm 40 đồng chiều bán ra, hiện ngân hàng này đang niêm yết ở mức 22.400-22.450 đồng/USD. Tại Techcombank, tỷ giá đang là 22.380-22.460 đồng, giảm 30 đồng giá mua vào và 50 đồng giá bán so với hôm qua.



Còn ngân hàng ACB và Eximbank giảm nhẹ hơn khoảng 35 đồng/USD, hiện ACB đang niêm yết giá USD mua vào 22.370 đồng và bán ra 22.450 đồng/USD; Eximbank mua vào 22.380 đồng và bán ra với giá 22.450 đồng/USD.



Tỷ giá USD/VND bắt đầu giảm từ hôm 5/10 và tiếp tục giảm mạnh hơn trong ngày hôm qua và hôm nay.



Như vậy, tính từ hôm 4/10 (trước khi Thông tư 15 có hiệu lực) thì giá USD tại các ngân hàng đã giảm từ 60-70 đồng/USD.



Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 5/10 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Điểm đặc biệt quan trọng của Thông tư là các ngân hàng chỉ bán ngoại tệ giao ngay cho doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngay trong vòng hai ngày, từ ngày thứ ba trở lên ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn.



Lãnh đạo một các ngân hàng thương mại cho biết, với quy định này, doanh nghiệp chưa có nhu cầu thanh toán ngay sẽ không được mua ngoại tệ giao ngay để 'găm giữ' và 'phòng thủ' như thời gian qua.



Vị này giải thích, điều đáng lưu ý nhất trong Thông tư 15 là bất cứ giao dịch ngoại tệ nào của khách hàng với ngân hàng cũng đều phải có chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng. Chẳng hạn như, nếu lâu nay khách hàng cá nhân gần như được tự do trong chuyển đổi các ngoại tệ khác, thì từ nay họ phải có chứng từ chứng minh nhu cầu sử dụng USD.



Bình luận về vấn đề này, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là cách tốt để định hướng các ngân hàng thương mại trong việc xác lập tỷ giá giao dịch trong tương lai. Tuy nhiên, cũng cần phải linh hoạt bám sát thị trường vì thị trường liên tục thay đổi và phải định giá theo giá thị trường.



Cũng theo ông Lực, đây là một trong những mục tiêu để giúp doanh nghiệp hoạch định giá và đó cũng là một cách để ngân hàng thương mại xác lập hợp đồng giao dịch tiền tệ trong tương lai, qua đó để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá. Điều này đòi hỏi trình độ cán bộ của ngân hàng phải cực kỳ vững chắc thì mới dự báo được tương lai là tỷ giá sẽ lên hay xuống và từ đó tham vấn cho khách hàng và sẵn sàng bán hợp đồng đó cho khách hàng, khi hợp đồng đó được ký kết thì khi có những rủi ro ngân hàng phải chịu rủi ro đó.



Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra biên độ để các ngân hàng thương mại cộng trừ chứ không phải là cố định, để tránh hiện tượng các ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận các giao dịch vượt quá biên độ cho phép. Như thế sẽ tạo ra tính kém ổn định cho thị trường ngoại tệ./.



Thúy Hà










Theo stockbiz.vn