Theo đánh giá Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung tiếp tục ổn định, nhưng một chỉ số phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài về nợ công lại tăng.



CDS lên cao nhất kể từ đầu năm 2014



Trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm công bố ngày 1/10, UBGSTC cho biết chỉ số CDS – một thước đo đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam - đã tăng trong 2 tháng cuối quý III/2015.



Theo đó, chỉ số CDS 5 năm đứng ở mức 260 điểm vào giữa tháng 9/2015, vượt xa mức 200 điểm ghi nhận vào đầu năm và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2014.







“Điều này phần nào phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài đối với tình hình nợ công của Việt Nam,” UBGSTC đánh giá.



Cũng phản ánh tâm lý quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài, UBGSTC cho biết khối này đã bán ròng 4,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8/2015.



Lo ngại về vấn đề nợ công có thể cũng là một phần lý do khiến cơ quan này cho rằng “mục tiêu phát hành TPCP đang là một thách thức”.



Báo cáo cho thấy tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP trong tháng 9/2015 chỉ đạt 20,7%. Tính từ đầu năm, trái phiếu kỳ hạn 15 năm đã phát hành vượt kế hoạch 33,8%, trong khi đó trái phiếu 5 năm và 10 năm hiện mới đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch năm.







Tỷ lệ huy động TPCP thành công là 54% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,6 năm, chỉ đạt 38,5% so với kế hoạch năm 2015. Nếu tính cả tín phiếu và trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, đã thực hiện phát hành 156,48 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 63% nhiệm vụ huy động vốn TPCP cả năm.



Sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng đều khả quan



Ngoài vấn đề nợ công, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam đều khá tích cực. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức 6,5% bất chấp kinh tế thế giới có nhiều biến động trong quý III. UBGSTC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,5% cho cả năm 2015.



Cơ quan này cho rằng động lực chính cho tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng của khu vực này 9 tháng đầu năm 2015 đạt 9,57%, cao gần gấp đôi mức tăng 5,75% của cùng kỳ năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%. Chỉ số PMI bình quân 8 tháng đạt 52,3 điểm, mức cao trong 3 năm qua.



Xuất khẩu tăng trưởng khá, với kim ngạch 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng ước tính cho xuất khẩu năm 2015 của thế giới là 5,1% cũng như của ASEAN-5 là 8% và Trung Quốc là 6,8%. Nếu không tính dầu thô, xuất khẩu 9 tháng tăng đến 13,3% so với cùng kỳ, xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm 2014.



Tình hình doanh nghiệp và đầu tư tư nhân cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng tăng 28,5% về lượng và 31,4% về vốn, trong khi số doanh nghiệp giải thể và chấm dứt hoạt động giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng của đầu tư tư nhân/GDP trong 9 tháng tăng lên mức 12,1% từ mức 11,8% của cùng kỳ năm 2014.



Tăng trưởng phục hồi tốt đã thúc đẩy tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng, loại trừ yếu tố giá, ước tăng 9,1%, cao hơn mức 6,4% của cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.



Bức tranh vĩ mô tích cực còn thể hiện qua việc lạm phát thấp và ổn định. Lạm phát cơ bản trong tháng 9 vẫn đứng ở mức 2,4%, là mức ổn định trong suốt 7 tháng gần đây.







Căn cứ vào diễn biến của giá dầu, UBGSTC đã hạ dự báo lạm phát năm 2015 xuống dưới 2%.



Con số mới nhất này thấp hơn so với dự báo hồi tháng trước, khi cơ quan này đã xét đến yếu tố điều chỉnh tỷ giá và nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ đứng ở mức khoảng 3% và lạm phát tổng thể ở dưới 3%.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn