Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đã được xử lý từng bước, nhất là từ sau khi tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh các cặp đôi hợp nhất, sáp nhập.



Đây là một trong những nhận định tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá 13 đến năm 2015. Cơ quan của Quốc hội đánh giá hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có hiệu quả, nợ xấu giảm nhanh, song vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp cần xử lý, khắc phục…



Chuyện dài sáp nhập



Báo cáo thẩm tra cho biết: Tính đến cuối năm 2014, chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.



Quá trình 'bóc tách' dần sở hữu chéo, đầu tư chéo ở lĩnh vực ngân hàng đã có kết quả sau những nỗ lực tăng cường thanh tra giám sát, yêu cầu các ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất.



Thực tế, giai đoạn 2011-2014, hệ thống ngân hàng đã diễn ra cuộc sáp nhập, hợp nhất, gồm: 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng SCB, SHB-Habubank, PVFC- WesternBank. Từ đầu năm 2015 đến nay, tiếp tục có thêm 3 thương vụ sáp nhập được tiến hành rốt ráo như: MaritimeBank- MekongBank, BIDV – MHB, Vietinbank – PGbank.



Trong tháng 10/2015 tới, dự kiến sẽ có hai cuộc sáp nhập giữa ngân hàng – Công ty tài chính sẽ trình ĐHCĐ thông qua là Ngân hàng SHB- Công ty tài chính VVF, Ngân hàng MB- công ty Tài chính Sông Đà. Hai cuộc sáp nhập này đã được NHNN chấp thuận về chủ trương sáp nhập, chờ ý kiến thông qua của ĐHCĐ để tiến hành các thủ tục tiếp theo.



Trong số các cặp đôi tiến hành M&A, đa phần có chung sở hữu cổ đông, hoặc sở hữu chéo lẫn nhau, có đầu tư chéo… nên việc thu gọn 'về chung một nhà' diễn ra khá thuận lợi, được các bên đồng thuận.



Như vậy, đến cuối năm 2015, dự kiến sẽ có tổng số 9 tổ chức tín dụng (TCTD) biến mất sau các thương vụ hợp nhất, sáp nhập, giải thể. Không chỉ giảm nhanh số lượng tổ chức, NHNN đã xem xét, yêu cầu các ngân hàng TMCP xây dựng phương án tái cơ cấu làm sao sau M&A phải cải thiện hoạt động kinh doanh, tài chính lành mạnh, giảm nợ xấu, tăng cường quản trị rủi ro…



Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, đánh giá về chặng đường tái cơ cấu hơn 3 năm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: 'Các TCTD yếu kém đã được kiểm soát, xử lý một bước theo các phương án tái cơ cấu, và đều có tình hình hoạt động ổn định, cải thiện hơn trước khi cơ cấu lại. Từ đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội…'



Hiện, vẫn còn một số ngân hàng có liên quan sở hữu chéo lẫn nhau thông qua các công ty và đơn vị thành viên của chủ sở hữu. Song, NHNN vẫn đang xem xét, đánh giá để có quyết định cho các cặp đôi này sáp nhập hay không, đảm bảo việc sáp nhập thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, đúng pháp luật.



Với nỗ lực sàng lọc các ngân hàng yếu kém, NHNN khuyến khích các TCTD tìm kiếm, lựa chọn đối tác phù hợp để M&A hoặc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để có nguồn lực thực sự, giúp ngân hàng tái cơ cấu hiệu quả hơn.



Tuy nhiên, 'việc tái cơ cấu các TCTD và xử lý các tổ chức yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định'- Báo cáo thẩm ra nêu rõ.



Nợ xấu giảm nhanh



Trước những yêu cầu của Quốc hội đặt ra cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ và NHNN đã hoàn thiện cơ chế, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu, ngân hàng yếu kém.



Động thái mạnh tay nhất gần đây là NHNN đã đặt một số ngân hàng có sai phạm vào diện kiểm soát đặc biệt, hoặc mua lại các ngân hàng có nguy cơ phá sản, kinh doanh mất vốn dưới mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng…



Riêng về nợ xấu, những giải pháp xử lý tích cực hơn đã được áp dụng như: bán nợ cho Công ty VAMC, xử lý thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm… Kết quả là đã giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, dư nợ xấu trong hệ thống.



Số liệu của Chính phủ cho hay, đến cuối tháng 8/2015, toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn tỷ lệ nợ xấu 3,2% tổng dư nợ và phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30/9/2015. Song Chính phủ cũng nhận định công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.



Trong vòng 3 năm qua, hệ thống ngân hàng đã xử lý được tổng số 311.100 tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 67% tổng số nợ xấu (số liệu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012).



Chất lượng tín dụng được cải thiện, báo cáo chính xác, minh bạch hơn. Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm song quy mô vẫn lớn, gây khó khăn cho hoạt động đẩy vốn ra thị trường.



Dù vậy, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá cao những chính sách, biện pháp kiểm soát, xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tín dụng của NHNN và hệ thống từ năm 2012 đến nay. Nhất là ngân hàng đang phải dồn sức tái cơ cấu, dọn dẹp nợ xấu nhưng vẫn có những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.



Hải Hà










Theo stockbiz.vn