Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, Sacombank và Southernbank (mã:STB) đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến tới ký hợp đồng sáp nhập. Nếu diễn biến như các cuộc sáp nhập gần đây, Sacombank sẽ phải tiếp nhận nguyên trạng Southernbank vốn có “sức khỏe” yếu kém.



Southernbank được cho là đã “thế chỗ” Eximbank trong cuộc thâu tóm Sacombank diễn ra 2 năm trước, gây xôn xao thị trường. Nhưng, trong thương vụ này, Southernbank đang “lép vế” hơn hẳn Sacombank vì tình hình kinh doanh bết bát, kém hiệu quả, nợ xấu rất lớn…



“Như đôi đũa lệch…”



Ngày 14/9, NHNN đã chính thức chấp thuận cho Sacombank và Southernbank sáp nhập chỉ sau 1 tháng phê chuẩn về nguyên tắc sáp nhập. Và khoảng 2 tháng kể từ khi ĐHCĐ của hai ngân hàng thông qua đề án sáp nhập, phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi với tỷ lệ 1:0,75 và cổ đông Sacombank được nhận thêm 0,3875 cổ phần mới. Dự kiến, sang quý 4/2015 sẽ lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu STB.



NHNN cho biết, quyết định cho hai ngân hàng “kết hôn” là phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và NHNN trong chương trình tái cấu trúc hệ thống, nhằm hình thành các định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn.



Vậy sức khỏe của hai ngân hàng này đã và đang diễn biến ra sao trước thời điểm sáp nhập cũng như vài năm tới?



Được biết, sau 24 năm hoạt động, hiện Sacombank đã đạt vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng bình quân trên 10% mỗi năm. Southernbank cũng có lịch sử phát triển 22 năm, vốn điều lệ tăng từ 10 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2015, Sacombank có tổng tài sản là 210.777 tỷ đồng, Southernbank đạt 82.000 tỷ đồng.





Cặp đôi sáp nhập Sacombank- Southernbank được ví như “đôi đũa lệch”



Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2011-2014, Sacombank đạt lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.996 tỷ đồng, 714 tỷ đồng, 2.229 tỷ đồng, 2.212 tỷ đồng. Lợi nhuận ngân hàng đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi nợ xấu tăng nhanh thời gian qua, trong đó, năm 2011 dư nợ xấu chỉ có hơn 439,3 tỷ đồng (tỷ lệ 0,58% dư nợ), nhưng năm 2012 tăng lên 1.824 tỷ đồng (tỷ lệ 1,89%).



Năm 2013 nợ xấu của Sacombank giảm còn 1.603 tỷ đồng (tỷ lệ 1,45%) và tiếp tục xuống 1.522 tỷ đồng (chiếm 1,19% dư nợ) vào cuối năm 2014. Tính đến 30/6/2015, Sacombank báo lãi sau thuế 1.180 tỷ đồng, tín dụng tăng 10%, nợ xấu tăng lên mức 1.702 tỷ đồng (chiếm 1,21% dư nợ).



Trong khi Sacombank không ngừng “ăn nên, làm ra” thì trong 3 năm qua, Southernbank hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao kỷ lục… Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt 225,6 tỷ đồng, năm 2012 giảm còn 120,45 tỷ đồng. Năm 2013, ngân hàng này chỉ lãi trước thuế 18 tỷ đồng và 2014 báo lãi khiêm tốn… 17 tỷ đồng.



Điểm lo ngại là tình hình nợ xấu căng thẳng của Southernbank với những số liệu không nhất quán, kém minh bạch. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố vào tháng 7/2015, Southernbank có tỷ lệ nợ xấu tới 45,6% dư nợ (tại ngày 30/6/2012) và tăng lên tới 55,31% vào tháng 11/2013, cao gấp chục lần số liệu do ngân hàng này công bố (tỷ lệ 3,39%, tương ứng 1.606 tỷ đồng nợ xấu). Cuối năm 2014, nợ xấu tiếp tục tăng lên 2.553 tỷ đồng, chiếm 5,89% dư nợ.



Sacombank sẽ “đi chậm” lại



Đánh giá về ảnh hưởng của việc nhận sáp nhập Southernbank, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ với cổ đông rằng, ngân hàng sẽ phải tăng trích dự phòng rủi ro nợ xấu cho đối tác, kéo giảm chỉ số lợi nhuận chung.



Lãnh đạo Sacombank dự kiến, trong 3 năm đầu sáp nhập, lợi nhuận trước thuế năm 2015 chỉ khoảng 1.002 tỷ đồng (lãi sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (lãi sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (lãi sau thuế 1.039 tỷ đồng). Mức lợi nhuận này chỉ bằng 30-50% số đã đạt được trong các năm gần đây.



Theo ông Dũng, ngân hàng có thể xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại hậu sáp nhập trong 3 năm, song có thể kéo dài thêm 1-2 năm tùy theo tình hình thực tế. Trong đó, chủ yếu là xử lý nợ xấu của Southernbank, công nợ phải thu, nợ lãi, phí phải thu rất lớn (cuối năm 2014, các khoản phải thu hơn 13.746 tỷ đồng và khoản lãi và phí phải thu là 15.955 tỷ đồng)…



Dù Southernbank không công bố báo cáo tài chính thuyết minh chi tiết, nhưng theo thông báo của NHNN, có thể thấy công nợ, nợ xấu của ông Trầm Bê - Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cũng là vấn đề cần xử lý dứt điểm khi sáp nhập.



Do đó, ông Trầm Bê đã “tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định” đối với toàn bộ cổ phần sở hữu của ông và các bên liên quan tại Sacombank và Southernbank trước và sau sáp nhập. Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Trầm Bê là 20,14% cổ phần Southernbank và hơn 6,77% cổ phần Sacombank.



Việc cổ đông lớn Trầm Bê rút lui khỏi và NHNN tiếp nhận quyền cổ đông, cử người tham gia vào ngân hàng là điểm khác biệt của cuộc sáp nhập này. Vì các trường hợp ngân hàng yếu kém đều bị xử lý bằng cách mua 0 đồng, lãnh đạo bị miễn nhiệm, đình chỉ, cổ đông “trắng tay”. Còn cổ đông Southernbank vẫn may mắn “có chút gì” còn lại sau khi sáp nhập.



Diễn biến tiếp theo là Sacombank và Southernbank tiến hành ký kết bản Hợp đồng sáp nhập, thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ hệ thống, nhân sự, các nghĩa vụ tài chính, đảm bảo quyền lợi đối với khách hàng, đối tác… Southernbank sẽ bị xóa tên, biến mất khỏi thị trường.



Sacombank sau sáp nhập sẽ gia nhập nhóm 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt gần 290.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 22.645 tỷ, vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng. Hệ thống mạng lưới tăng lên 567 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 chi nhánh tại Lào, Campuchia



Thu Hằng










Theo stockbiz.vn