Tín dụng tăng nhưng khả năng sinh lời giảm đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế hiện nay. Các ngân hàng đã có trách nhiệm với đồng vốn, chấp nhận ít lợi nhuận để vốn được “bơm” nhiều hơn vào nền kinh tế.



Tín dụng tăng cao nhất trong 4 năm qua



Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), đến ngày 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 4 năm qua.



Dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8/2015 ước đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2014. Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 6/2015 cũng tăng mạnh: Cho vay xuất khẩu đạt 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay đạt 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cuối năm 2014.



Bên cạnh đó, với chính sách tiền tệ linh hoạt, các ngân hàng ngay từ đầu năm đã “mở đường” cho dòng tiền tới nền kinh tế thông qua nhiều chương trình cho vay khác nhau thay vì ngồi đợi doanh nghiệp tìm đến như trước đây.



Đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho thấy: Tín dụng tăng trưởng đã phản ánh đúng sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay. Nguồn tiền đã đi đến đúng địa chỉ và phát huy tác dụng tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.



Khả năng sinh lời giảm



Yêu cầu kéo nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% vào cuối tháng 9/2015 của Thống đốc NHNN được xem là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh lời của các ngân hàng giảm bởi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.



Quý I/2015, trích lập dự phòng rủi ro đã tăng đột biến ở nhiều ngân hàng. Đơn cử: Techcombank trích lập gần 1.390 tỷ đồng, bằng 60% của năm 2014; BIDV hơn 980 tỷ, tăng 41%; VPBank hơn 800 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2015, dù tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng cao nhưng lãi thuần thu về sụt giảm do nguồn trích lập dự phòng rủi ro lớn. BIDV tăng trưởng huy động và cho vay lần lượt là 16% và 21%, nhưng thu nhập lãi thuần lại giảm 7% và trích lập dự phòng lên đến gần 2.590 tỷ đồng, tương đương 66% so với thu nhập lãi thuần. VPBank cũng có mức tăng chi phí dự phòng lên gấp gần 7 lần trong quý II/2015 so với cùng kỳ năm 2014, đạt 860 tỷ đồng.



Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết: Việc tín dụng tăng nhưng lợi nhuận chưa chắc tăng cao đã được dự đoán từ trước bởi năm nay, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng như quyết tâm đưa nợ xấu xuống mức thấp được ngân hàng lên hàng đầu. Kiểm soát được dòng vốn an toàn sẽ giúp ngân hàng phát triển ổn định hơn trong thời gian tới.



Duy Minh












Theo stockbiz.vn