Kết quả 1 đến 1 của 1
-
09-11-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Bảo lãnh Chính phủ: Đừng "đổ lên đầu" nợ công!
Bộ Tài chính đang đề xuất các điều kiện 'sàng lọc' doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay vốn như có vốn chủ sở hữu (CSH) tối thiểu 20% tổng mức đầu tư, hệ số nợ không vượt quá 3 lần vốn CSH, tỷ lệ bảo lãnh tối đa 80%… Điều này thực sự cần thiết nhằm hạn chế cấp bảo lãnh tràn lan và từ đó, giảm gánh nặng nợ công hiện đang ở ngưỡng rất cao.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, khống chế mức cấp bảo lãnh nợ vay và phát hành trái phiếu, nâng cao khả năng trả nợ… Việc cấp bảo lãnh Chính phủ sẽ được ưu tiên hơn cho các dự án có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chủ đầu tư phải 'có thực lực'
Theo dự thảo mới, các chương trình, dự án đầu tư phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ, đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong năm… Doanh nghiệp phải gửi văn bản đăng kí cấp bảo lãnh lên Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (với khoản vay nước ngoài) ngay tháng đầu tiên của năm kế hoạch.
Việc vay vốn thực hiện chương trình, dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện tương ứng nêu tại Điều 34 của Luật Quản lý nợ công (về chương trình, dự án, người vay, người phát hành trái phiếu và khoản vay khoản phát hành trái phiếu quốc tế đối với doanh nghiệp). Đồng thời, hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ sẽ được phê duyệt hàng năm và phù hợp Luật Quản lý nợ công, bảo đảm an toàn nợ công.
Nhằm 'sàng lọc' các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém, Bộ Tài chính yêu cầu khắt khe về vốn CSH như: doanh nghiệp phải có vốn CSH tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, phải đảm bảo đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn CSH. Khi quyết toán công trình, dự án phải đảm bảo đủ vốn CSH đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.
Dự thảo cũng quy định về hạn mức vay và phát hành trái phiếu, tỷ lệ cấp bảo lãnh, hệ số nợ của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần vốn CSH… Doanh nghiệp phải có phương án tài chính dự án khả thi, có hệ số trả nợ bình quân trong 5 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 và có cam kết trả nợ… Từ đó, hạn chế vay nợ tràn lan, sử dụng vốn kém hiệu quả.
Bộ Tài chính đề xuất giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 'không vượt quá 80%' tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống mức bảo lãnh tối đa là 70% (gồm tất cả các chi phí vay có liên quan). Tỷ lệ bảo lãnh tối đa 70% chỉ được xem xét cấp cho các dự án thuộc diện cấp bách hoặc được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chỉ được cấp bảo lãnh tối đa 70%, còn lại các dự án thông thường có mức bảo lãnh tối đa 50%…
Giảm áp lực lên nợ công
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tăng cường quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công, siết chặt các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và bảo đảm trả được nợ. Đối với việc cho vay lại sẽ theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về để cho vay lại…
Dù nợ công vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP) song nợ công có xu hướng tăng nhanh, cơ cấu nợ công chưa thực sự bền vững là đáng lo. Nhất là trong tình hình sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành không đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), cuối năm 2013, tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh là 396.114 tỷ đồng, chiếm 20,3% nợ công. Trong đó, có 81 dự án được Chính phủ bảo lãnh với dư nợ nước ngoài 188.486 tỷ đồng (tương đương 8,96 tỷ USD) và tăng 23,89% so với năm 2012. Song, theo KTNN, một số doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh nợ vay lại sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Nhiều dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải xin giãn hoãn, xóa nợ…
Còn theo Bộ Tài chính, năm 2014 nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã tăng tới 22%, đạt 234.939 tỷ đồng và tổng nợ bảo lãnh của Chính phủ vọt lên mức 451.805 tỷ đồng. Trong đó, có 6/8 dự án thuộc lĩnh vực điện được Chính phủ bảo lãnh, gồm: Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí (PVN) đầu tư được bảo lãnh tới 937 triệu USD, dự án Thuỷ điện Lai Châu của EVN được bảo lãnh 300 triệu USD tiền vay, Nhiệt điện Thăng Long công suất 620MW (do công ty Gelemxico đầu tư ở tỉnh Quảng Ninh) được bảo lãnh nợ vay 674 triệu USD… Hai dự án khác là dự án Alumin Nhân Cơ của Vinacomin và dự án mua 2 máy bay A321 của Vietnam Airlines.
Với nghĩa vụ bảo lãnh nợ vay rất lớn này, Chính phủ sẽ phải thu xếp nguồn trả nợ khi đến hạn mà doanh nghiệp chưa trả nợ. Đã có những bài học đắt giá từ việc cấp bảo lãnh cho các tập đoàn yếu kém như Vinashin, Vinalines dẫn tới nhiều nghĩa vụ tài chính với nước ngoài, mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã rất đau đầu tìm cách xử lý.
Do đó, việc cấp bảo lãnh Chính phủ rất cần được 'sàng lọc' từ đầu bằng những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo giới hạn nợ vay an toàn và khả năng trả được nợ, không tăng thêm gánh nặng cho nợ công.
Thu Hằng
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- Lãi suất liên ngân hàng tăng, NHNN bơm ròng 52.163 tỷ đồng
- Vàng chốt một tuần giảm giá
- Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất 2016 có thể giảm nhẹ
- Bloomberg: Việt Nam và rủi ro phát hành trái phiếu
- Vàng SJC và USD cùng tăng giá
- Thủ tướng: 'Nợ xấu giảm còn 2,9%'
- Lãnh đạo Vietcombank đề xuất ưu đãi cho thanh toán điện tử
- Đến 2020 tổng dư nợ thị trường trái phiếu phải đạt 38% GDP
- Khoảng trống trong quản lý tín dụng
- Giá vàng giảm nhẹ vì lạm phát Mỹ