Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tiến Đông cho biết, tính đến ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế tăng 10,23% so với cuối năm 2014. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.



- Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay khá ấn tượng, ông có thể cho biết đâu là lực đẩy trong 8 tháng qua?



Ông Nguyễn Tiến Đông: Quả đúng là năm nay tăng trưởng tín dụng có nhiều tín hiệu vui. Từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng tương đối đều đặn, trung bình 1,1-1,2%/tháng, khác hoàn toàn so với những năm trước.



Có một điều khác trong tăng trưởng tín dụng năm nay nữa là những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thường cao hơn nội tệ. Nhưng 8 tháng đầu năm nay, tín dụng nội tệ tăng 10,1% trong khi tín dụng ngoại tệ chỉ tăng hơn 8% so với cuối năm 2014. Cơ cấu tín dụng ngoại tệ thấp, chỉ 400.000 tỷ đồng/tổng tín dụng 3 triệu tỷ đồng, nhưng đây là tín hiệu tích cực. Nguyên do, trước đây chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cao, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ nghiêng về vay USD nhiều hơn.



Bên cạnh đó, hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất cho vay nội tệ và ngoại tệ không lớn như trước thì doanh nghiệp vay ngoại tệ ít hơn, vừa tránh rủi ro tỷ giá, kiểm soát chi phí đầu vào, hoạt động kinh doanh không bị xáo trộn khi tỷ giá biến động.



Để có được kết quả trên, theo tôi, yếu tố đầu tiên phải nhắc đến đó là nền kinh tế trong nước bắt đầu phục hồi. Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm khả quan. Kinh tế tăng trưởng cao kéo theo nhu cầu tín dụng tăng lên.



Đặc biệt, trong quá trình điều hành tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách nắn chỉnh dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời triển khai thêm nhiều chương trình tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...



Cụ thể, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần đưa vốn ra hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tín dụng nông nghiệp nông thôn được đẩy mạnh với sự ra đời của Nghị định 55 sửa đổi bổ sung một số quy định quan trọng tại Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Nghị định 67 cho vay phát triển thủy sản; tín dụng cho nhà ở...



Tất cả các chương trình trên đi vào cuộc sống đã tháo gỡ, tạo sức bật cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện tổ chức tín dụng đưa vốn ra nền kinh tế.



Với diễn biến như hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đề ra từ 16-17% trong năm nay sẽ đảm bảo đạt được.



- Ông có thể cho biết, tín dụng trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực nào?



Ông Nguyễn Tiến Đông: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 8 ước đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2014.



Dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 184.956 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 977.000 tỷ đồng, tăng 4,07 so với cuối năm 2014.



- Thưa ông, chênh lệch giữa ở chiều huy động vốn và cho vay có đáng lo ngại hay không?



Ông Nguyễn Tiến Đông: Hiện tại, trưởng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng luôn ở mức khá cân đối. Việc đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức nào có liên quan đến lạm phát, lãi suất, cung cầu vốn. Tỷ lệ sử dụng vốn/huy động - LDR của toàn hệ thống ở mức hơn 80% đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đề ra. Có nghĩa là về cơ bản, vốn huy động đã được đưa vào nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, một nguồn vốn nhất định nào đó vẫn chảy vào kênh trái phiếu.



Trước đây có những thời điểm tỷ lệ LDR vượt 100%, để có đủ vốn cho vay các ngân hàng vay mượn trên thị trường 2 và những bất cập nảy sinh từ đây. Nhưng trong vài năm trở lại đây, cùng với bài học nhãn tiền, hiện các ngân hàng huy động vốn phải tính toán vừa đảm bảo dự trữ và an toàn thanh khoản rồi mới bắt đầu cho vay ra.



Hay nói cách khác, từng đang thực hiện tái cấu trúc tài sản bên nợ - có. Việc duy trì tỷ lệ này ở mức hơn 80% trong một thời gian tương đối dài chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng được đưa vào quỹ đạo.



Chưa nên thay đổi chính sách



- Thưa ông, hiện nay chỉ số giá tiêu dùng CPI 8 tháng tăng ở mức khá thấp, có chuyên gia lo ngại giảm phát và đề xuất cần gói hỗ trợ kinh tế. Ý kiến của ông về đề xuất này?



Ông Nguyễn Tiến Đông: Phải thừa nhận, đúng là chỉ số CPI hiện nay đang thấp và nếu thấp hơn nữa thì không phù hợp với tăng trưởng kinh tế của một nước mới nổi như Việt Nam, đang vào ngưỡng phát triển cần phải có tỷ lệ lạm phát nhất định.



Tuy nhiên, đối với Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ số một phải là ổn định lạm phát, giá trị đồng tiền, tạo niềm tin cho người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước.



Vì thế, để đưa một gói hỗ trợ, liều lượng ra sao… phải tính toán rất thận trọng, chứ không phải vì một vài hiện tượng cá biệt mà chúng ta thay đổi ngay chính sách đã bao nhiêu công sức gây dựng. Không cẩn thận, bao nhiêu năm kiểm soát lạm phát sẽ bị đổ 'xuống sông'.



Không phủ nhận trong lúc này phải có động thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng tôi nghĩ rằng, không chỉ đến từ ngành ngân hàng mà rất cần hỗ trợ từ nguồn lực khác như chi tiêu của ngân sách... Tất nhiên trong giai đoạn hiện nay, ngân sách đang gặp khó với ràng buộc bởi nợ công, hạn mức bội chi…



Thực tế, không nền kinh tế nước nào khi cần tăng trưởng kinh tế chỉ đòi hỏi các ngân hàng phải đưa tiền ra phục vụ mục tiêu này. Các nước trên thế giới, nhiệm vụ chính của Ngân hàng Trung ương là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, còn huy động nguồn lực đầu tư chủ yếu đến từ các kênh khác, mạnh hơn nhiều như thị trường vốn... Ngành ngân hàng chỉ hỗ trợ bổ sung cho hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế trong một giai đoạn nhất định. Không nên để hệ thống ngân hàng nắm giữ tới 80% nguồn vốn đầu tư cho cả nền kinh tế như hiện nay.



Hiện tại, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn chiếm tới 40% trong cơ cấu kỳ hạn, tỷ trọng này được cho là cao. Trong bối cảnh hiện tại, điều này không thể khác vì thị trường vốn không phát triển nên vẫn cần phải dựa vào ngân hàng.



- Xin cảm ơn ông!



Thu Hương










Theo stockbiz.vn