Chính phủ đã yêu cầu NHNN theo sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo giá trị tiền đồng nhưng vẫn đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và quyết liệt đối với nợ xấu. Việc tái cơ cấu ngân hàng là nền tảng quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.



Chính phủ yêu cầu NHNN phải tiếp tục tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD, nhất là cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD. Cùng với đó, trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng cũng phải được nâng cao.



Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp tái cơ cấu mạnh được triển khai, trước hết là khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.



Đi vào hồi kết…



Một số TCTD có mức độ rủi ro cao, nguy cơ mất an toàn lớn đã bị áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật… để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống.



Ts. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Marketing Tp. Hồ Chí Minh, nhận định cho đến thời điểm hiện tại, tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được thành công cả về chất và lượng đúng theo kịch bản ban đầu.



Mục tiêu quá trình tái cơ cấu là hợp nhất sáp nhập, mua lại các ngân hàng yếu kém. Trước khi tái cơ cấu, hệ thống có 42 NHTM (chỉ tính riêng khối quốc doanh và cổ phần). Sau những thương vụ sáp nhập đã và đang định hình, con số này dự kiến chỉ còn 34 NHTM vào cuối năm nay.



Số lượng ngân hàng giảm nhưng niềm tin của người dân vào chính sách của NHNN ngày càng được củng cố và nâng cao. Có tới 3 ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, nhưng đã không diễn ra hiện tượng người dân rút tiền ồ ạt. Các ngân hàng còn lại buộc phải nâng cao chất lượng quản trị của hệ thống, kiểm soát tốt những lỗ hổng, sai sót trước đây, cảnh giác tối đa với nợ xấu.



Dư nợ tín dụng tăng trở lại, kèm theo đó, chất lượng tín dụng tốt hơn, nợ xấu đã được khoanh vùng giải quyết.



Trong công cuộc đại phẫu của toàn hệ thống ngân hàng theo Đề án 254, vai trò quản lý của NHNN được phát huy tốt đa với sức mạnh chưa từng có. Mọi chốt chặn trước đây đều được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, không để lại hậu quả xấu trong cộng đồng.



Hệ thống NHTM đạt được chất lượng tốt, an toàn, hiệu quả kinh doanh bắt đầu hồi phục. Chỉ có những đơn vị gây ra hậu quả nghiêm trọng, coi thường mọi giới hạn dẫn tới hậu quả khó lường.



Thực tế có rất nhiều thương hiệu ngân hàng nổi tiếng đã biến mất khỏi thị trường, nhưng nó chỉ chuyển từ 'dạng tồn tại này sang cách thức khác' chứ không hoàn toàn bị mất đi. Quy mô chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng vẫn tăng, đáp ứng được nhu cầu vốn, hỗ trợ hoạt động tín dụng, thanh toán, đầu tư cho nền kinh tế.



Các hoạt động hậu tái cơ cấu vẫn phải thường xuyên, liên tục để đảm bảo duy trì sự ổn định, lành mạnh hóa năng lực tài chính của các ngân hàng, tạo lập được một hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Hệ thống các TCTD có thể đã sạch, gọn hơn, nhưng vẫn cần phải đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị NH theo các chuẩn mực quốc tế.



Còn lại gì...?



Đề án 'Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015' đang ở chặng đường cuối cùng, nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, vài ngân hàng đã biến mất và hàng loạt ngân hàng yếu kém được xử lý dứt điểm… Thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.



Cuộc đại phẫu với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại rất nhanh khiến nhiều người trong cuộc chẳng biết mình còn lại gì sau cơn bão. Các thương vụ sáp nhập đầu tiên từ 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành SCB. Tiếp đến là TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PVcomBank; Habubank nhập vàoSHB; Đại Á vào HDBank…



Các thương vụ sáp nhập tiếp theo, MDB vào MaritimeBank, MHB vào BIDV, chính thức hoàn tất trong nửa đầu năm 2015. Số lượng ngân hàng thương mại cổ phần hiện đang rút xuống còn 30 và ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm xuống còn 4. Hai ngân hàng khác sắp biến mất là PGBank khi sáp nhập vào VietinBank và Southernbank cũng sẽ bị xóa tên khi nhập vào Sacombank.



Việc tái cơ cấu ngân hàng càng nhanh, càng quyết liệt thì các đại gia ngân hàng ra đi cũng chẳng thanh thản. Chưa có ngân hàng nào bị phá sản, mà chỉ bị mua lại 0 đồng như VNCB, Oceanbank, GPBank…khiến các đại gia từng là cổ đông lớn bị trắng tay.



Một số người còn vướng vào lao lý, tù tội sau cơn hào nhoáng vụt qua. Quá trình M&A khiến nhiều đại gia ngân hàng gục ngã mà không thể nào gượng dậy được. Thông tin NHNN thay ông Trầm Bê thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại Sacombank và Southern Bank cũng là cái kết không mấy vui vẻ cho đại gia này.



Chúng ta từng mong ước sẽ phát triển các ngân hàng lớn mạnh tầm cỡ khu vực. Việc sáp nhập như trên là cần thiết, để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, việc đa dạng hóa các ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, cơ chế sàng lọc và đào thải đó phải 'tự nhiên', chứ không phải bằng sự 'thúc ép' kiểu mệnh lệnh hành chính.



Lê Thuận










Theo stockbiz.vn