Ngoài khoản tiền gửi 719 tỷ đồng “một đi không trở lại” tại Vietinbank, hiện tại, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng còn hàng nghìn tỷ đồng đem gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại nhiều tổ chức tín dụng khác vẫn “chưa hẹn ngày về”.



“772.000 triệu VND (31/12/2014: 772.000 triệu VND) tiền gửi có kỳ hạn tại một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước (“Ngân hàng B”) đã được gia hạn”, ACB thuyết minh về khoản tiền gửi tiết kiệm thứ hai của mình (mà thực chất là đã quá hạn rất lâu xong vẫn chưa thể thu hồi) như vậy trong BCTC vừa được phát hành. Và câu hỏi được đặt ra: “Ngân hàng B” mà ACB đã đề cập là ngân hàng nào?



“Ngân hàng B” ở đây, không đâu khác, chính là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), theo tìm hiểu của phóng viên ANTT.VN. Và 772 tỷ đồng này vốn có nguồn gốc trong nhóm hơn 37.000 tỷ đồng mà ACB đã ủy thác cho nhân viên của mình đem gửi tại 29 ngân hàng nhằm hưởng lãi “khủng” trong giai đoạn từ tháng 5/2010 – 11/2011.



Nhưng do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, âm vốn chủ sở hữu nên đến ngày đáo hạn, GPBank đã không thể hoàn trả đầy đủ số tiền ACB đem gửi. Sau nhiều bàn bạc, ngày 31 tháng 3 năm 2014, hai bên đi đến thống nhất gia hạn thời hạn trả các khoản này thêm 24 tháng, tức là điều chỉnh ngày đáo hạn mới thành 4 tháng 9 năm 2016.





GPBank chính là tổ chức 'Ngân hàng B' mà ACB ám chỉ



Tuy nhiên, như đã biết, khi kế hoạch mới được dở chừng, ngày 7/7/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần GPBank với giá 0 đồng. Vậy, đến lúc này, khoản tiền gửi 772 tỷ đồng của ACB sẽ được xử trí ra sao (?) - một câu hỏi mới được đặt ra.



Theo thông tin từ ACB, ngày 13 tháng 7 năm 2015, ngân hàng này đã gửi Công văn số 3671/CV-TH.15 đến NHNN đề nghị cơ quan này xem xét, chấp thuận cho ACB mua lại các trái phiếu do GPBank nắm giữ để thu hồi tiền gửi.



Mua lại trái phiếu để thu hồi lại 772 tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” gửi ở GPBank – có nghĩa rằng, trách nhiệm thanh toán (lẽ ra là của GPBank) sẽ được “hoán vị” sang bên thứ ba (tổ chức phát hành trái phiếu mà GPBank định nhận thay cho tiền gửi) – một giải pháp có chăng là miễn cưỡng, tình thế và sổ sách (?).



Chưa rõ đề nghị của ACB có được NHNN chấp thuận và chấp thuận đến đâu, cũng như trái phiếu mà GPBank sẽ dùng để “gán nợ” cho ACB (nếu có) được phát hành bởi tổ chức nào, hay việc thu hồi vốn từ các trái phiếu này liệu rồi có “trúc trắc” như con đường mà nó đến với ACB (?)…



Bởi, tất cả vẫn đang ở thì tương lai khi “tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ này, Ngân hàng vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nào từ NHNNVN về việc chấp thuận lời đề nghị trên” – theo thông tin trong thuyết minh BCTC của ACB.



Càng đáng lưu tâm hơn khi việc trích lập dự phòng cho khoản 772 tỷ đồng “khó đòi” lại chưa thấy được đề cập.





400 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Xây Dựng ('Ngân hàng C') cũng 'chưa hẹn ngày về'...



Chung cảnh với 772 tỷ đồng “sa lầy” ở GPBank, 400 tỷ đồng khác của ACB hiện gửi ở Ngân hàng Xây dựng – VNCB (được ACB phiếm chỉ trong BCTC bằng cụm từ “Ngân hàng C”) cũng “chưa hẹn ngày về”. Đáng nói, Ngân hàng Xây dựng cũng đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng vào ngày 31/1/2015.



Hiện tại, khoản tiền gửi tại VNCB đang được Á Châu phân loại vào Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ, dựa trên số ngày quá hạn của khoản lãi liên quan. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi có kỳ hạn này tại thời điểm 30/6/2015 là 101.916 triệu VND.



Liên quan đến 400 tỷ đồng này, ngày 13 tháng 7 năm 2015, Ngân hàng Á Châu đã gửi Công văn số 3671/CV-TH.15 đến NHNN đề nghị NHNN xem xét, chấp thuận cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi này và khoản lãi liên quan. Tuy nhiên, đến ngày lập BCTC, NHNN cũng chưa có phản hồi.



Như vậy, tính đến cuối Quý II/2015, chỉ xét riêng 2 khoản tiền gửi tại GPBank và VNCB, Ngân hàng TMCP Á Châu đã có tới 1.172 tỷ đồng trong diện “chưa hẹn ngày về”. Nhưng đó liệu đã phải là con số cuối cùng(?)



Ninh Giang










Theo stockbiz.vn