Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh tại buổi Tọa đàm tác động của tỷ giá hối đoái và chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 25/5.



Việc ngân hàng Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian vừa qua cộng với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ tiếp tục tăng tỷ giá thêm 1% từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD hôm 19/8 đã làm dấy lên nhiều lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của việc này đến thị trường kinh tế trong nước.



Ngay khi bắt đầu buổi Tọa đàm, đã có nhiều ý kiến thẳng thắn bày tỏ ngại việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ sẽ làm hàng Trung Quốc giá rẻ hơn sẽ tràn vào Việt Nam và hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc trên thị trường.



Đáp lại phản ứng của nhiều người, các chuyên gia kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân lại không cảm thấy lo lắng về điều này và cho rằng những lo ngại trên là hơi thừa thãi.



Theo PGS.TS Tô Trung Thành - Giảng viên, Đại học Kinh tế quốc dân/ Cố vấn kinh tế trong nước, Dự án Tư vấn, Kiểm tra và Giám sát chính sách kinh tế vĩ mô, việc nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 34% cho máy móc thiết bị, và chỉ khoảng gần 6% cho tiêu dùng cuối cùng. Như vậy, việc giá hàng nhập nguyên vật liệu của Trung quốc giảm sẽ có lợi cho nước ta chứ chưa hẳn là bất lợi như nhiều người nghi ngại.



Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ông Thành thừa nhận rằng những lo ngại là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chúng ta không nên quá bi quan vì cần thấy rằng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI; hàng nông sản chỉ chiếm 10 – 12% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó xuất sang châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 5 – 7%, chỉ khoảng vài phần trăm xuất khẩu sang Trung Quốc.



“Mình xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiểm vài phần trăm, tất nhiên đó vẫn là sản phẩm do mồ hôi và sức lực của người nông dân Việt Nam nhưng để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh không chỉ là vấn đề tỷ giá. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu hay nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng lên hoặc giảm đi còn phụ thuộc vào cơ cấu của xuất khập khẩu theo nước và theo hàng hóa”, ông Thanh phân tích.



Bổ sung thêm tác động của việc này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Tính toán cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít lan tỏa đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu.



'Như vậy, khi VNĐ mất giá 3% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kiinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và chỉ số giá sản xuất ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,65 điểm % và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá này tăng lên 0,75%. Tổng ảnh hưởng là 1,1 điểm % và GDP có thể giảm 2%-2,27%', chuyên gia này nhận định.



Tại buổi Tọa đàm, vị chuyên gia này bày tỏ lo ngại khi cho rằng, trong vài năm trở lại đây tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP của Việt Nam gần như tương đương nhau. Nếu tiếp tục phá giá tiền đồng rất có thể dẫn đến sự hoang mang của khách hàng tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Trong khi đó, khi khách hàng rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ. Chính vì thế, phá giá tiền đồng có thể sẽ kéo nền kinh tế suy trầm.



VĂN HẢI










Theo stockbiz.vn