Các Bộ trưởng thừa nhận việc xảy ra thất thoát, lãng phí tại các công trình xây dựng, song cũng cho rằng viêc định lượng chính xác rất khó và cần nhiều thời gian.



Trong phiên chất vấn kéo dài hơn hai ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên thực tế nhức nhối khi nhiều công trình lớn xây xong nhưng trở thành 'đống sắt rỉ' hay bỏ không. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) và cũng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi tới ba vị tư lệnh ngành là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Xây dựng về vấn đề thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội.



'Các bộ có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước. Có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, từ năm 2011 đến nay hay không?', ông nói.



Trước vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận thất thoát, lãng phí trong xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước là có thực và nghiêm trọng. Ông khẳng định có thể định lượng được con số sai phạm, song để nêu một mức chính xác thì 'rất khó' bởi đây là vấn đề lớn, bao quát nhiều lĩnh vực.



Đồng quan điểm, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận có thất thoát trong xây dựng công trình. Các nhân ông cũng 'rất bức xúc' nhưng chưa có số liệu chính xác, toàn diện để biết thất thoát là bao nhiêu.



Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lấy ví dụ tại kỳ họp Quốc hội cách đây 2 năm, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị ngành Kế hoạch & Đầu tư cho biết con số thất thoát của các địa phương trong các công trình xây dựng. Nhưng sau khi làm công văn yêu cầu các địa phương báo cáo, Bộ trưởng chỉ nhận được văn bản kê khai của 7 địa phương và 5 tập đoàn lớn. Những số liệu lấy từ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng không đủ phản ánh tình hình.



Liên quan đến phạm vi quá rộng, ông Vinh dẫn chứng sai phạm ở công trình giao thông rằng không chỉ lãng phí thất thoát trong khâu thi công mà ngay cả khâu thẩm định cũng có hiện tượng rút ruột, như trường hợp bên thi công cho hay 'rút bớt thép cũng không sao vì thiết kế thừa'. Tìm hiểu thì được biết bên thiết kế khai mức sử dụng quá lớn để được hưởng phần trăm giá trị công trình.



'3 Bộ có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng những thất thoát lãng phí nhưng cần thời gian', Bộ trưởng Vinh cho biết. Ông cũng nhấn mạnh cần phải ngăn chặn tình trạng này thì đất nước mới phát triển, khó nhưng vẫn phải làm.



Trước đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho hay dù Quốc hội đã nhiều lần phản ánh song tình trạng thực hiện quy hoạch không đồng bộ, gây lãng phí lớn vẫn diễn ra, như việc nhà máy hơn thép 8.000 tỷ đồng ở Thái Nguyên có nguy cơ thành đống sắt rỉ, nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ của Tập đoàn Dầu khí ở Hải Phòng đang đóng cửa, ký túc xá hơn 1.000 tỷ ở Đà Lạt chỉ có một sinh viên ở...



Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng nhận định việc nhà máy ở Thái Nguyên và Hải Phòng nói trên và một số nhà máy khác không được sử dụng hiệu quả đã gây thất thoát hơn một tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam phải tìm cách đi vay 3 tỷ USD, ông yêu cầu các Bộ trưởng nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, bởi không thể để tiền chôn ở đó mà tiếp tục mất.



Phương Linh










Theo stockbiz.vn