Thống kê sơ bộ 10 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch năm là tăng trưởng xuất khẩu 10% thì chưa đạt được.



Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Những khó khăn khách quan của thị trường và những hạn chế trong nội tại khiến XK vẫn thiếu sự bền vững. Trong 10 tháng qua, dù một số ngành công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh nhưng do tác động của thị trường thế giới, sự chênh lệch trong cân đối cung cầu, sự sụt giảm kim ngạch của mặt hàng dầu thô và nông sản khiến sự tăng trưởng đó không thể bù đắp được sự sụt giảm nói chung”.



Suy giảm từ mặt hàng chủ lực



Điều đáng bàn là xuất khẩu suy giảm đang hiện hữu ngay cả với các mặt hàng vốn có thế mạnh về xuất khẩu lâu nay của chúng ta như: nông lâm- thủy sản nhiên liệu, khoáng sản…



Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 10 ước đạt 2,55 tỷ USD, tăng 400 triệu USD so với tháng 9 và giảm 190 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 10 tháng, so với cùng kỳ năm 2014, một số mặt hàng tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm sâu cả về lượng và giá trị, như cà phê (-29,6%, –31,4%), gạo (4,6%, –11,4%), chè (9,1%, –8,4%).



Tổng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt khoảng 11,51 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 10 tháng đạt gần 24,61 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 5,44 tỷ USD, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2014.



Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với tốc độ như hiện tại, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2015 ước chỉ đạt 6,6 tỷ USD, giảm tới 1,2 tỷ USD so với năm 2014 và kém xa so với mục tiêu 8 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm. Giá thành cao, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu… khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ngày càng rời xa mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm.



Đồng thời, theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng qua, giá xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm hàng nông sản giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm - thủy sản giảm khoảng 1,82 tỷ USD.



Bên cạnh đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng là những mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân và lượng xuất khẩu bình quân giảm tương đối sâu, khiến kim ngạch xuất khẩu tính chung của nhóm bị ảnh hưởng giảm khoảng 3,65 tỷ USD.



Bộ Công Thương cho biết, một số mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm rất mạnh như: cà phê giảm 28,9%; than đá giảm 75,8%; phân bón các loại giảm 26,2%. Tính chung, do biến động giảm mạnh về giá và lượng, kim ngạch xuất khẩu cả hai nhóm hàng nói trên giảm khoảng 5,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014.



Do vậy, các DN xuất khẩu đang đứng trước tình cảnh khó khăn chồng chất, có DN đã quyết định chuyển sang làm ăn hay kinh doanh mặt hàng khác. Bà Trần Thị Thuý Hoa, đại diện Hiệp Hội Cao su Việt Nam, cho biết: “Năm nay chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm về số lượng DN xuất khẩu cao su do các DN chạy sang các ngành khác.”



Trái với tình trạng xuất khẩu “ảm đạm” của các DN Việt, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 9 tháng đầu năm, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang là khu vực đóng góp chính vào mức tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước và ngày càng chiếm ưu thế.



Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2015 là 244,46 tỷ USD, thì riêng của các DN FDI chiếm 155,34 tỷ USD, tăng 20,8% (tương đương 26,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó xuất khẩu là 81,95 tỷ USD, tăng 20,8% và nhập khẩu là 73,4 tỷ USD, tăng 20,8%.



Trong khi đó, khu vực DN trong nước chỉ đóng góp 89,12 tỷ USD và gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 38,3 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2014.



Xu hướng giảm vẫn tiếp tục



Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi giá nhiều mặt hàng có chiều hướng giảm và sẽ vẫn tiếp tục giảm trong những năm tới đây.



Về góc độ DN, chia sẻ khó khăn hiện nay, ông Bùi Việt Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May Sông Hồng, cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là chi phí giá thành sản xuất sản phẩm XK tăng quá cao. Trong khi chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào triển vọng mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại thì DN trong nước lại đang loay hoay với việc tiếp cận và tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu”.



Cùng với đó, một trong những khó khăn lớn của các sản phẩm công nghiệp XK là những ngành công nghiệp cơ bản và mũi nhọn như hóa chất, kim loại, cơ khí chính xác trong nước chưa cung cấp đủ các nguyên liệu cơ bản đầu vào nên một số nguyên liệu phải nhập khẩu dẫn đến giá thành cao, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm XK.



Hay đề cập tới một thực trạng khác, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, có một vấn đề quan trọng được nhiều DN quan tâm là việc công nhận số lượng DN đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường lớn.



“Hiện, số lượng DN được công nhận quá ít so với năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam. Chúng ta đã có tới 400 cơ sở sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 30 DN được công nhận xuất khẩu vào khu vực Liên minh kinh tế Á – Âu. Đây thực sự đang là trở ngại với DN”.



Ngoài ra, theo các chuyên gia, các DN xuất khẩu vẫn chưa hiểu rõ nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu thụ của khách hàng, các kênh phân phối, xu hướng sản phẩm, xu hướng giá cả, các hoạt động của đối thủ… tại thị trường xuất khẩu.





Lê Thúy










Theo stockbiz.vn