Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết số nợ thuế dự kiến xóa cho các doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng, phần lớn thuộc về các đơn vị đã giải thể, phá sản.



Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội sáng 3/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay khoản tiền nợ thuế của Doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép xóa vào khoảng 1.000 tỷ đồng.



Bộ trưởng lý giải thực chất đây là số tiền không thể thu được nữa, do chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản. Số liệu chi tiết được lãnh đạo Bộ Tài chính cung cấp sau đó cho thấy khoảng 600 tỷ đồng trong số tiền nêu trên là nợ thuế của các công ty đã có quyết định phá sản trước ngày 31/12/2015 nhưng chưa được xử lý được nợ thuế. Trong số này cũng có quá nửa là tiền phạt chậm nộp.



Trước đó, đề xuất xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đưa ra nhận được nhiều quan điểm trái chiều khi Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế. Trong đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng ông “ủng hộ có điều kiện chủ trương này” nếu Chính phủ báo cáo rõ về số nợ và đánh giá tác động trong bối cảnh ngân sách trung ương hụt thu.



“Tôi cũng đã trao đổi lại với đại biểu Trần Du Lịch rằng Chính phủ đã báo cáo về con số cụ thể và đây là số về cơ bản không thể thu được nữa”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm.



Tại tờ trình của mình, Chính phủ cho rằng “cần thiết phải quy định xóa nợ thuế” đối với một số trường hợp sau: Một là, doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu mà có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế, để giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại.



Đối tượng thứ hai là doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007. Thứ ba là doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể trước ngày 31/12/2015 còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007.



“Quy định xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế như trên sẽ giúp giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ, qua đó sẽ giúp tháo gỡ gánh nặng cho các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan thuế; tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước”, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.



Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, có khoảng 254 doanh nghiệp thuộc ba đối tượng trên và tổng số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp vào khoảng 1.082 tỷ đồng.



Trong phiên thảo luận ở tổ mới đây, đa số ý kiến đại biểu đều phản đối đề xuất này vì cho rằng như vậy sẽ là bất công cho những doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác lẫn cho chính doanh nghiệp Nhà nước đã nộp thuế đầy đủ. Thậm chí nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và gây ra sự chây ỳ trong nộp thuế thời gian tới ở khối doanh nghiệp quốc doanh.



Theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luật tại hội trường một lần nữa vào ngày 13 tới trước khi biểu quyết thông qua ngày 25/11.



Chí Hiếu








Theo stockbiz.vn