2 trên 4 cảng liên doanh của Vinalines được đánh giá cao về triển vọng, dù vẫn chật vật cân bằng thu chi.



Cân đối tài chính 4 cảng liên doanh đều khó khăn



Hiện Vinalines có 4 cảng biển lớn liên doanh với đối tác nước ngoài, gồm 3 cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải là CMIT, Vinalines góp 36% vốn; Cảng SSIT Vinalines góp 11,7%; Cảng SP-PSA góp 15% và 1 cảng khu vực Quảng Ninh là CICT Vinalines góp tới 51%.



Báo cáo của các liên doanh cho thấy, cảng CMIT năm 2014 dù đã giảm lỗ rất mạnh, song vẫn lỗ 18 tỉ đồng; Cảng SSIT năm 2014 lỗ 382 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm nay lỗ 194 tỉ đồng. Nếu năm 2015 và 2016, SSIT tiếp tục bị thua lỗ sẽ bị âm vốn chủ sở hữu; Cảng SP-PSA năm 2014 tuy lỗ đã giảm so với năm trước, song vẫn ở mức 259 tỉ đồng; Cảng CICT do Vinalines góp 51%, lỗ 243 tỉ năm 2013 và 269 tỉ đồng năm 2014.



4 cảng liên doanh này của Vinalines cho đến nay hoạt động kém hiệu quả, nguyên nhân là “do chi phí đầu tư lớn, lãi vay cao, và nhiều nguyên nhân dẫn đến không khai thác hết công suất thiết kế”, theo báo cáo của Vinalines với Bộ GTVT.



Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, mức đầu tư vào các cảng liên doanh với nước ngoài này rất lớn, từ gần 200 triệu đến 350 triệu USD. Tới 70% khoản đầu tư của Vinalines trong liên doanh là vay thương mại từ các tổ chức tài chính, nên phải chịu áp lực cao về trả gốc và lãi vay.



Cùng đó, do tình hình cung cầu tại cảng bị mất cân đối lớn khiến các cảng khai thác ở mức thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Các cảng container khu vực Cái Mép – Thị Vải hiện mới khai thác khoảng 1,2 triệu TEU/năm trong khi thiết kế trên 6 triệu TEU. Cảng CICT sản lượng bốc dỡ container năm 2014 được 102.895 TEU và từ đầu năm 2015 đến nay lượng hàng container về cảng vẫn thấp, trung bình khoảng 1.200TEU/tháng, trong khi công suất xếp dỡ container được thiết kế cho giai đoạn I là 520.000 TEU/năm.



Giữ 2, thoái 2?



Vinalines mới đây đã phải xử lý các khoản tài chính đến hạn phải trả của cả 4 cảng liên doanh, theo hướng đàm phán với bên cho vay để giãn nợ trong vòng 1,2 năm trước mắt.



Để giảm bớt gánh nặng tài chính, xử lý triệt để hơn, Vinalines đang đề xuất Bộ GTVT cho phép được thoái toàn bộ vốn khỏi 2 liên doanh cảng là SP-PSA và CICT. Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cho phép Vinalines tìm đối tác để chuyển giao phần vốn tại cảng CICT.



Như vậy, chỉ còn 2 cảng liên doanh nằm trong khu vực cái Mép – Thị Vải, được Vinalines đề nghị tiếp tục nắm giữ là CMIT và SSIT.



Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines, triển vọng phát triển của các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải về lâu dài sẽ rất khả quan để trở thành thị trường cho tàu lớn sử dụng làm cảng trung chuyển.



Trước mắt, Vinalines cần rà soát, cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý tại các liên doanh. Đây là giải pháp đang được Vinalines thực hiện cùng với các giải pháp về chính sách thị trường, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.



Cùng đó, Vinalines kiến nghị, việc di dời các cảng trong khu vực trung tâm TP HCM nhằm tạo điều kiện cho luồng hàng dịch chuyển ra khu vực Cái Mép – Thị Vải theo các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.



Phương Anh










Theo stockbiz.vn