Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015 đã cho thấy một bức tranh khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam, con số đưa ra trong báo cáo cho thấy kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh, quý sau luôn cao hơn quý trước, song theo các chuyên gia kinh tế, thực tế tăng trưởng đó có bền vững không khi doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được hưởng lợi ích từ sự khởi sắc này?



Ngày 23/10, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015. Báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III rất cao so với kỳ vọng ban đầu với mức tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, và dự báo quý sau có thể tăng trưởng hơn.



Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), nhận định, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2015 ở mức cao. Với mức tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước. Nếu như quý I/2015, GDP tăng trưởng ở mức 6,03%, quý II tăng lên 6,44% và quý III là 6,81%.Với mức tăng trưởng trên, CIEM dự tính, GDP quý IV của Việt Nam sẽ ở mức 6,83% và GDP 2015 sẽ ở mức 6,61%.



Tăng trưởng cao, đã bền vững?



'Mức tăng trưởng này vượt xa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm nay, vượt xa mức dự báo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,2%) và nhỉnh hơn so với dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6%).



Tuy nhiên, trước sự 'khởi sắc' của kinh tế Việt Nam, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đặt vấn đề, liệu tăng trưởng này có bền vững không và yếu tố nào giúp có được sự tăng trưởng này. Việc tăng trưởng này có phải nhờ việc nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng nguồn lực hay là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh hay vẫn là cách tăng trưởng cũ dựa vào vốn, đầu tư theo chiều rộng và khai khoáng…?



Đồng thời, ông Cung cũng cho rằng đúng là quý I, GDP tăng hơn 6,1% nhiều người sốc, tới quý II không sốc nữa, vì thực tế quý II luôn cao hơn quý I. Tuy nhiên, tăng trưởng này có yếu tố của khai khoáng. Trong khi đó, từ 2013 đến 2014, giá nguyên liệu khai khoáng giảm, điều này cho thấy khi giá giảm thì khối lượng lại tăng. Tính GDP thì lấy giá của năm 2010 chứ không phải theo giá hiện hành. Như dầu chẳng hạn, dầu giảm còn gần 50 USD nhưng giá tính vẫn là 100 USD, giảm hơn một nửa. Nhiều khi nhìn thấy tăng trưởng nhưng thu ngân sách không có, vì không có tiền thực.



Báo cáo vĩ mô quý III của CIEM cũng chỉ ra là vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn của kinh tế Việt Nam. Thứ nhất xuất khẩu tăng trưởng chậm trọng quý III. Thứ hai, loay hoay trước áp lực tài khóa, do áp lực nợ công (gần chạm trần), bố trí cho chi thường xuyên và chi đầu tư thiếu cân bằng trong khi nguồn thu là phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài thì khó, kỳ hạn ngắn thì áp lực đảo nợ lớn. Thứ ba là kỷ luật ngân sách quá kém, nhất là thời điểm nhạy cảm trước Đại hội.



Ông Dương nhận định, sâu xa hơn, những mặt hạn chế đó là kinh tế Việt Nam còn tồn tại '3 chưa': Chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đầu tư; chưa có kế hoạch trả nợ; chưa quan tâm đến giảm chèn ép đối với khu vực tư nhân.



Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đúng là trong thời gian gần đây, chính phủ đã đưa ra thông điệp sáng sủa, đánh dấu sự phục hồi chắc chắn của kinh tế, có vẻ đang rất tốt đẹp nhưng có thật như vậy hay chưa?



Ngoài '3 chưa' mà báo cáo đã đưa ra, bà Lan cho rằng thực tế còn phải thêm mấy 'cái chưa' nữa: bội chi ngân sách chưa hề giảm mà còn tăng lên; kinh tế vĩ mô phát triển chưa giúp được nhiều cho DN; năm 2015 đáng lẽ là năm của hội nhập, nhưng thực tế mới chỉ dừng ở động thái và cuối cùng là quan hệ nhà nước với thị trường cần phải thay đổi nhiều…



DN, người dân được hưởng gì?



Ts. Nguyễn Đình Cung cho rằng nghịch lý ở Việt Nam là lạm phát thấp và luôn có xu hướng giảm nhưng lãi suất không giảm, kể cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trong khi đây là những khoản chi phí tài chính lớn đối với DN.



Bà Phạm Chi Lan thì thẳng thắn nói: 'Lạm phát cứ nói giảm nhưng thực tế có giảm đâu'. Nghịch lí là lạm phát thấp, xu hướng lạm phát giảm là rõ rệt nhưng lãi suất không giảm. Ngay cả khi chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng mà lãi suất không giảm. Đây là nghịch lí ở thị trường Việt Nam. Hệ quả là chi phí tài chính của DN lớn và khả năng huy động vốn khó khăn, vì vậy cần giúp DN phục hồi, vượt qua giai đoạn này là rất khó'.



Thêm vào đó, bà Lan cho rằng: 'Giá điện nước tăng, xăng dầu thế giới giảm 40% trong khi Việt Nam chỉ giảm hơn 20%. Khi lạm phát thấp, đáng tiếc là chúng ta không tận dụng để thúc đẩy giảm chi phí cho DN trong nước, để người dân hưởng lợi thì lại điều chỉnh giá dịch vụ của điện, xăng dầu, nước hay dịch vụ y tế tăng lên. Dẫn tới, thu nhập người dân không tăng, trong khi giá chi phí tăng lên và chất lượng sống của người dân thấp'.



Bà Lan chỉ ra nguyên nhân chính của điều này là do khó khăn ngân sách vì bội chi, dẫn đến việc tận thu ngân sách để bù bội chi. Do đó, doanh nghiệp và người dân phải gánh nhiều loại phí.



Cùng vấn đề này, Ts. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng CIEM, khẳng định: 'Việt Nam đang vay đồng nào, làm ra đồng nào tiêu hết đồng đó, không có cái để dành cho đầu tư phát triển. Ngân sách hết tiền, thế giới không ai cho vay mãi nên tình trạng này rất nguy hiểm'.



'Thường có 10 đồng thì chi xã hội khoảng 2 đồng. Cứ mạnh tay chi tiêu xã hội coi chừng rơi vào bẫy xóa đói giảm nghèo, cứ có đồng nào xóa đói giảm nghèo hết thì sẽ không còn cái mà xóa đói giảm nghèo nữa', ông Bá nói.



Vì vậy, ông Bá dự báo, cơ cấu kinh tế không thay đổi nên chỉ cần có xu hướng nào đó thay đổi thì lạm phát lại cao ngay. Khả năng này là không nhỏ.



Lê Thúy










Theo stockbiz.vn