Đại diện Bộ GTVT cho rằng mặc dù năng lực hạ tầng giao thông của Việt Nam được tăng hạng trên bảng xếp hạng của WEF nhưng thực tế, vẫn ở mức trung bình thấp và cần nhiều nỗ lực trong thời gian tới.



Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về sự thăng hạng của hạ tầng giao thông Việt Nam trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).



Theo công bố của WEF, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc, từ 76 (năm 2014) lên 67 (năm 2015). Tuy nhiên, theo ông, chúng ta có giữ được thứ hạng này và sẽ tăng hạng tiếp trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay?



Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Ngày 30/9, WEF công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh giai đoạn 2015-2016 thực hiện tại 140 nước. Trong đó, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 9 bậc, ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 vào năm 2014.



Cụ thể hơn, chỉ số về chất lượng đường bộ đứng thứ 93, tăng 11 bậc (năm 2014 đứng thứ 104); chất lượng đường sắt đứng thứ 48, tăng 4 bậc (năm 2014 đứng thứ 52); chất lượng cảng đứng thứ 76, tăng 12 bậc (năm 2014 đứng thứ 88); chất lượng hàng không đứng thứ 75, tăng 12 bậc (năm 2014 đứng thứ 87).



Nếu so sánh với các nước châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... thì ta có thể thấy chỉ số của Việt Nam tăng đột phá. Chẳng hạn, Trung Quốc và Indonesia vẫn giữ nguyên vị trí, trong khi Malaysia chỉ tăng một bậc; Singapore bị hạ một bậc.



Tuy nhiên, nếu nói về giá trị tuyệt đối thì Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình thấp. Ví dụ, đường bộ, ta đang đứng thứ 93/140 nước là dưới trung bình. Vì vậy, việc nâng cao thứ hạng chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng giao thông là việc bắt buộc phải làm và phải làm được.



Với các giải pháp trọng tâm, đồng bộ để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà Bộ GTVT đã đề ra trong 5 năm tới, tôi tin tưởng chúng ta sẽ giữ được, thậm chí tiếp tục thăng hạng trên bảng xếp hạng này.



Chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng của Việt Nam 2015 đã được cải thiện đáng kể, từ hàng không đến đường bộ và cảng biển nhưng hạ tầng đường sắt lại tăng thấp. Theo ông nguyên nhân hạn chế này là do đâu? Bộ GTVT đã có cơ chế gì để thúc đẩy ngành đường sắt?



Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phải nhìn nhận một thực tế, hạ tầng đường sắt của chúng ta đã được hình thành từ rất lâu, khổ hẹp và lạc hậu nhưng thời gian qua chưa có điều kiện để đầu tư phát triển do yêu cầu về vốn đầu tư rất lớn, khả năng xã hội hoá hạ tầng đường sắt không cao.



Trong 5 năm qua, hạ tầng đường sắt chỉ triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu, gia cố sửa chữa các hầm đường sắt, thay thế tà vẹt cũ, kéo dài đường ga... để nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên trục Bắc-Nam; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai; đưa vào khai thác đường sắt kết nối vào cảng Cái Lân... mà chưa có bước phát triển thực sự đột phá nào.



Trong khi đó, đặc thù của đường sắt là cần nguồn vốn rất lớn và phải đồng bộ. Nếu như với đường bộ, làm 300 km đường thì chỉ cần làm 100 km là đã khai thác được rồi thì đường sắt phải làm đủ cả 300 km, vì khổ đường sắt khác nhau nên phải làm đồng bộ khổ đường thì mới khai thác được.



Nhận thức được điều đó, vừa qua, Bộ GTVT đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.



Tại kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ đã xác định mục tiêu tái cơ cấu đầu tư tập trung hơn cho lĩnh vực đường sắt. Trong đó, tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên tuyến Bắc-Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng; cải tạo, nâng cấp nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai, Gia Lâm-Hải Phòng, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160-200 km/h, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội-Vinh, TPHCM-Nha Trang.



Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, đường sắt cần nguồn đầu tư rất lớn của Nhà nước. Vì thế, để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, bản thân đường sắt cũng phải huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là tư nhân. Ví dụ, trong vận tải đường sắt, có thể để hạ tầng hiện hữu của các tuyến cho tư nhân khai thác hoặc khai thác các nhà ga thành trung tâm thương mại…



Có ý kiến cho rằng, 'khi hàng không và cảng biển không còn độc quyền Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư nhiều hơn thì chất lượng và giá cả dịch vụ được cải thiện rõ rệt, người dân được hưởng lợi hơn. Tiếp đó là các dự án đầu tư tư nhân vào đường bộ qua các hình thức BOT, BT... được đưa vào sử dụng cũng khiến chất lượng đường bộ Việt Nam ngày càng được cải thiện, giảm ách tắc'. Ông có đồng tình với các ý kiến này không khi các dự án BOT đang… mất lòng tin của người dân vì mức thu phí quá nhiều?



Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chúng ta phải chia sẻ với nhau về việc giữa nhu cầu và nguồn lực lúc nào cũng có khoảng cách. Nhu cầu rất cao nhưng nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, về dịch vụ thì khối tư nhân làm tốt hơn Nhà nước. Chúng ta đang quen với việc Nhà nước làm tất cả, từ bệnh viện, trường học, đường sá và ngay cả hệ thống tưới tiêu của nông nghiệp cũng do Nhà nước đầu tư, nhưng nếu cứ chờ Nhà nước thì ta sẽ phát triển chậm hơn các nước khác.



Mặt khác, chúng tôi rất hy vọng người dân có sự chia sẻ bằng việc hiểu rằng chúng ta được hưởng dịch vụ tốt hơn thì phải trả một khoản phí nhất định, còn mức giá cao thấp thế nào thì Nhà nước đã có cơ chế để quản lý và còn phụ thuộc thu nhập của người dân. Ví dụ, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ thông xe toàn bộ vào cuối năm nay, mặc dù mức thu phí cao hơn nhiều lần Quốc lộ 5 cũ nhưng người dân được hưởng (nếu lựa chọn) dịch vụ tốt hơn, an toàn hơn, đi lại mất ít thời gian hơn.



Điều này không chỉ ở giao thông mà còn ở các dịch vụ khác như bệnh viện hay trường học cũng vậy, vì rõ ràng là khi khám chữa bệnh ở bệnh viện tư nhân hoặc bệnh viện công-tư thì chi phí chắc chắn cao hơn nhưng sẽ tương xứng với chất lượng dịch vụ.



Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Phan Trang (thực hiện)










Theo stockbiz.vn