Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG) của Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Mặt hàng này của Việt Nam đã được xuất sang 90 nước trên thế giới. Tuy nhiên, sự quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như thiếu đầu tư trong công nghệ chế biến khiến LSNG của Việt Nam đang bị bán với giá thấp, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.



Theo ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng, là nơi quy tụ của nhiều hệ sinh thái, hệ thực vật, động vật và nguồn gen vật nuôi, cây trồng rất phong phú với khoảng gần 3.000 loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG).



Tiềm năng chưa khai thác



Sản xuất các sản phẩm LSNG chính ở nước ta đã thu hút hàng trăm nghìn lao động khu vực miền núi tham gia, như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh...



Thị trường LSNG là thị trường nhiều tiềm năng phát triển với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Theo ông Trương Tất Đơ - Tổng cục Lâm nghiệp: 'Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm LSNG trong ăn uống sinh hoạt, chữa bệnh của mọi người trên thế giới đang gia tăng cao. Số người tiêu dùng quan tâm đến các loại tinh dầu tự nhiên, có tính an toàn sinh học cao ngày một mở rộng. Đặc biệt, một số sản phẩm LSNG chính như hồi, quế, thảo quả, sa nhân... có một số thành phần thuộc hàng biệt dược, có thể làm thuốc'.



Từ năm 2004 đến nay, sản lượng các sản phẩm LSNG chính như mây, tre, hồi, quế thảo quả có xu hướng tăng lên, giá trị XK liên tục tăng trong hơn 7 năm qua. Năm 2010, giá trị XK các sản phẩm LSNG chính của Việt Nam đã đạt trên 200 triệu USD.



Hiện nay, sản phẩm LSNG của Việt Nam đã XK sang gần 90 nước. Trong đó, thị trường Nhật Bản, Đài Loan chiếm thị phần cao và ổn định. Quế, hoa hồi, thảo quả được bán chủ yếu cho Ấn Độ (chiếm 50% lượng quế XK), Trung Quốc (chiếm gần 2/3 lượng hồi, sa nhân và thảo quả XK), tiếp đó là Nhật Bản, Mỹ...



Mặc dù, sản phẩm LSNG của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, tuy nhiên, phát triển sản xuất, thị trường LSNG vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.



Theo ông Nguyễn Tất Đơ, thị trường LSNG của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, theo con đường tiểu ngạch.



Bị động trong giao thương



Chuỗi giá trị một số sản phẩm LSNG chính khá phức tạp, với nhiều cấp, ở các địa bàn khác nhau với thành phần tham gia là các hộ gia đình, tư thương, DN tư nhân hay công ty cổ phần.



Việc mua bán sản phẩm không hợp đồng thỏa thuận, giữa bên bán và bên mua không có sự ràng buộc. Sản phẩm bán được nhiều hay ít phụ thuộc vào các chủ thu mua lớn, thị trường biến động không ổn định. Hệ lụy là người sản xuất, chế biến, thu gom nhỏ ở cấp thôn xã chịu nhiều rủi ro nhất. Khi thị trường có nhu cầu cao, họ có lãi cao. Ngược lại, sản phẩm làm ra nhiều mà nhu cầu thị trường thấp, họ buộc phải bán với giá rẻ để trang trải cho cuộc sống thường ngày.



Chính sách khuyến khích và phát triển các sản phẩm LSNG ở nước ta còn thiếu và không đồng bộ, do đó ở một số vùng, các sản phẩm LSNG có sản lượng manh mún, không ổn định, không đủ hình thành thị trường.



Khu vực sản xuất các sản phẩm LSNG chủ yếu là nơi vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, đi lại khó khăn, cơ sở hạng tầng yếu kém, trình độ dân trí hạn chế, không thuận lợi cho ứng dụng KHKT tiên tiến trong sản xuất do đó năng suất, chất lượng hàng hóa không ổn định, tiêu thụ thường khó khăn.



Nhiều ý kiến cho rằng để thị trường LSNG phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, cần ưu tiên vốn hỗ trợ; đầu tư nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị kinh tế của lâm sản ngoài gỗ, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì cho các mặt hàng XK, xây dựng được thương hiệu, nâng cao tính canh tranh trên thị trường quốc tế.



Thu Hường










Theo stockbiz.vn