Việt Nam được xếp hạng cao nhất về mức độ tin tưởng và lạc quan của các doanh nghiệp và người tiêu dùng về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong số các quốc gia ký kết hiệp định.



Đây là kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Edelman, tập đoàn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị có trụ sở tại Mỹ, được thực hiện từ ngày 7-9/10.



Kết quả khảo sát cho thấy 93% doanh nghiệp Việt Nam và 96% người tiêu dùng ủng hộ TPP và bày tỏ sự tin tưởng rằng hiệp định sẽ giúp mang lại lợi ích đối với kinh tế Việt Nam, trong khi trên toàn cầu, mức độ lạc quan về TPP của doanh nghiệp là 69% và của người tiêu dùng là 67%.



Ngay sau khi việc hoàn tất quá trình đàm phán thỏa thuận được công bố vào ngày 5/10, nhiều ý kiến từ các quốc gia thành viên và những người theo dõi diễn biến hiệp định chủ yếu xoay quanh những thách thức trong việc đạt được sự phê chuẩn của mỗi quốc gia.



Cuộc thăm dò đã tiến hành khảo sát 1.000 người tiêu dùng và 1.000 doanh nghiệp thuộc các quốc gia tham gia TPP (trừ Brunei và Peru), để tìm hiểu nhận thức và quan điểm xung quanh TPP của doanh nghiệp và người tiêu dùng.



Tại Việt Nam, có 83% doanh nghiệp và 86% người tiêu dùng nhận thức tích cực về hiệp định, xếp thứ hai trong số các nước tham gia, với niềm tin rằng sự hợp tác sẽ mang lại thay đổi có tính bước ngoặt và có lợi cho nền kinh tế.



“Từ khi TPP đạt được thỏa thuận, chúng tôi thấy nổi bật nhất trong các chủ đề bình luận về hiệp định này là ý nghĩa của nó đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thắng lớn từ hiệp định. Và thật bất ngờ là cuộc khảo sát của tập đoàn Edelman đã chỉ ra rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam có mức độ nhận thức cao nhất về TPP và tin rằng TPP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của quốc gia,” ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn AVC Edelman cho biết.



Trong các quốc gia tham gia TPP được khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam có mức chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi thế của TPP cao nhất với 76%, so với toàn cầu là 52%. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tự tin nhất về tác động tích cực của TPP trong vấn đề việc làm và lao động, chiếm 79% so với trên toàn cầu là 53%.



Người tiêu dùng Việt Nam cũng tự tin không kém về những lợi ích TPP sẽ mang đến cho họ và gia đình, với con số áp đảo 80% so với mức trung bình toàn cầu là 47%.



'Trong lúc chính phủ các nước TPP khẩn trương thảo luận và phê chuẩn hiệp định này, kết quả cuộc thăm dò ý kiến cho thấy TPP là một vấn đề mà dân chúng quan tâm và tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích tích cực cho họ, đặc biệt là đối với Việt Nam,' ông Ngọc Anh cho biết.



Ông Bùi Ngọc Anh nhận định: 'Mặc dù TPP vẫn chưa được phê duyệt, phần đông người được thăm dò ý kiến cho rằng Hiệp định này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian sắp tới. Dù thời gian triển khai Hiệp định TPP có thể kéo dài trong vòng 10 năm, không quốc gia thành viên nào có thể cho phép mình lơ là.'



'Ngay bây giờ, tất cả chúng ta phải bắt đầu xem xét lại uy tín và phương thức kinh doanh tại quốc gia mình. Mặc dù các thị trường thành viên đều có những ưu tiên khác nhau nhưng trong thời gian tới nhưng tất cả các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong hoạt động tiếp thị và kinh doanh,' ông Ngọc Anh nói./.



Hoàng Hải










Theo stockbiz.vn