Đánh giá sơ bộ về tác động, Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh cho hay TPP giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào 2025.



Thông tin nêu trên được lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ trong buổi họp báo đang diễn ra tại Hà Nội, ít ngày sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán.



Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết hiện các nội dung chi tiết của hiệp định cũng chưa được công bố. Theo đó, sau khi trở về từ Atlanta (Mỹ), các nước đang trong giai đoạn rà soát pháp lý và dịch thuật. 'Các bên thống nhất sẽ cùng công bố nội dung chi tiết vào cùng một thời điểm, dự kiến trong nửa đầu tháng 10 này', ông Khánh cho biết.



Đánh giá chung về hiệp định, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng việc tham gia với tư cách một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thể của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.



Về mặt kinh tế, theo tính toán của chuyên gia kinh tế độc lập, Bộ Công Thương thông tin trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.



Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có ông lớn Mỹ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo cú hích lớn. Riêng dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ một tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Tính tổng chung, xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.



Ông Khánh cho hay Việt Nam đều đang xuất siêu sang các nước lớn trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, Australia… và có cơ cấu bổ sung nhiều hơn nên xuất khẩu sẽ tăng hơn nhập khẩu. “Do đó, không có cơ sở cho rằng tham gia TPP thì nhập siêu sẽ tồi tệ đi”, ông nhấn mạnh.



Về giá hàng hóa nhập khẩu sau khi gia nhập TPP, Thứ trưởng Khánh cho hay thuế nhập khẩu từ 12 nước thành viên sẽ giảm đi, làm cơ sở để giá giảm. Tuy nhiên, việc giá hàng hóa có giảm trên thực tế hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sức mua, lạm phát triên thị trường. Bên cạnh đó, với thuế và phí nội địa, TPP không can thiệp vào vấn đề nội bộ quốc gia, do đó Chính phủ các nước vẫn có quyền duy trì các khoản này.



Về đầu tư, một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ, tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để Việt Nam để Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao.



“Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP”, ông Khánh nhận định.



Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro thách thức. Về thương mại hàng hóa, xuất khẩu nông sản sẽ gặp thách thức lớn khi hàng hóa nước ngoài từ Australia, New Zealand, Chile tràn vào Việt Nam, nổi bật là thịt gà, thịt lợn. Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, như giấy, thép, ôtô.







Với ngân sách, cơ quan này đánh giá do tỷ trọng thu từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế sẽ tăng lên do sản xuất kinh doanh phát triển, không những đủ bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước.



Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và biểu cam kết thể hiện đúng cam kết đàm phán, đồng thời dịch thuật và công bố rộng rãi hiệp định, cố gắng hoàn thành trong đầu tháng 10/2015. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ dành thời gian để tham vấn ý kiến người dân và các doanh nghiệp, tiến hành ký kết hiệp định và thực hiện quy trình thông qua TPP. Dự kiến, thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm.



Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định việc Việt Nam - một nước ở trình độ thấp tham gia vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục, thu hút các nước có trình độ phát triển chưa cao tham ga để TPP có thể mở rộng trong tương lai.



Sau 5 năm đàm phán, trong đó Việt Nam chính thức tham gia từ tháng 11/2010, TPP trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Đến ngày 5/10/2015, hiệp định đã hoàn tất quá trình đàm phán, với 12 thành viên là Mỹ, Nhật, Canada, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam.



Kỳ Duyên










Theo stockbiz.vn